Quỹ hỗ trợ văn hóa là rất cần thiết trong việc tạo nguồn lực đầu vào cho các hoạt động văn hóa. Trên thế giới nhiều nước vận hành rất hiệu quả quỹ này. Ở Việt Nam đã hình thành một số quỹ hỗ trợ văn hóa, nhưng vì nhiều lý do hoạt động chưa hiệu quả.
Nan giải vận hành quỹ hỗ trợ văn hóa ở nước ta
Ngày 15.6.2022, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó quy định chi tiết về sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đây là lần thứ hai quỹ hỗ trợ điện ảnh được nhắc đến trong văn bản luật. Trước đó, Luật Điện ảnh năm 2006 từng đề cập đến quỹ này. Nhưng suốt hơn 10 năm qua, Quỹ hỗ trợ điện ảnh vẫn chưa thể vận hành.
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng có nội dung đề cập đến việc hình thành Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ này nếu có thể hình thành và vận hành suôn sẻ sẽ gỡ khó cho công tác duy tu, bảo tồn, tôn tạo hơn 40.000 di tích trên cả nước, kiến tạo thêm các điểm đến cho du lịch văn hóa.
Không chỉ cấp Trung ương, nhiều địa phương cũng mong muốn hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa để tiếp sức thêm cho một ngành đã được xác định là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế”, là “nền tảng tinh thần vững chắc”, “trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Chẳng hạn như, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có nội dung về thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô tại điều 23.
Nhưng thành lập là một chuyện, làm thế nào để các quỹ văn hóa hoạt động và vận hành trôi chảy lại là chuyện khác. Đơn cử như trường hợp quỹ hỗ trợ điện ảnh, đã có quy định từ 2006 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động trơn tru.
Kinh nghiệm quốc tế
Tại hội thảo tham vấn “Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu ra một số kinh nghiệm quốc tế để vận hành quỹ hỗ trợ văn hóa.
Theo đó, Nhà nước cần xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật…, giảm thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp; sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông”.
Dẫn chứng kinh nghiệm tại Pháp, bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh: “Chính phủ Pháp có rất nhiều công cụ hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Họ có trung tâm quốc gia về sách (năm 2019 ngân sách nhà nước rót 24 triệu Euro), trung tâm quốc gia về âm nhạc (ngân sách rót 50 triệu Euro năm 2020), trung tâm quốc gia về phim và hoạt hình (ngân sách Nhà nước rót 675 triệu Euro năm 2022 từ tiền thuế vé xem phim, thuế doanh thu các kênh truyền hình…). Bên cạnh đó là các quỹ sách, quỹ hỗ trợ cho ngành điện ảnh và phát thanh truyền hình, quỹ hỗ trợ cho ca khúc và âm nhạc đại chúng…”.
Tại Trung Quốc, chính phủ cũng thiết lập và hoàn thiện một hệ thống các quỹ đặc biệt từ nguồn ngân sách quốc gia và các quy định mức thu cụ thể như “Quỹ đặc biệt xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật tiêu biểu”, “Quỹ đặc biệt phát triển phim quốc gia”, “Quỹ đặc biệt quảng bá, giới thiệu hình ảnh”. Họ cũng tiến hành thu phí xây dựng văn hóa trên toàn quốc từ các cơ sở kinh doanh giải trí như vũ trường, karaoke, phòng trà, sân golf và bowling, trích 3% doanh thu từ các tổ chức kinh doanh quảng cáo nộp vào quỹ xây dựng văn hóa.
Nhà nước cũng cần quyết liệt hơn, đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn để các quỹ hỗ trợ văn hóa sớm đi vào hoạt động trên thực tiễn.
Nguồn: Laodong.vn