Vị Hoàng hậu nổi danh tàn nhẫn, khống chế triều đình nhà Hán suốt 15 năm

Lã hậu là vị Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán, cũng là Hoàng hậu chính thức đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Hoàng hậu đầu tiên của Trung Quốc

Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên, Lã hậu (241 – 180 TCN) là Hoàng hậu duy nhất của Lưu Bang, người sáng lập nên triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tên thật của bà là Lã Trĩ, quê ở Đan Phụ (nay là huyện Thiền, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), kém Lưu Bang 15 tuổi.

Lã Trĩ kết hôn với Lưu Bang từ khi ông còn giữ chức Đình trưởng dưới thời Tần Thủy Hoàng. Cha bà là Lã Văn gặp Lưu Bang trong một bữa tiệc thì có lòng mến mộ. Ông xem tướng số, thấy Lưu Bang sẽ làm nên nghiệp lớn, bèn gả Lã Trĩ cho Lưu Bang.

Tạo hình Lã hậu - Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán trên màn ảnh. Ảnh: Weibo
Tạo hình Lã hậu – Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán trên màn ảnh Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Thời gian này, bà sinh cho Lưu Bang một trai một gái, về sau chính là Hán Huệ Đế Lưu Doanh và Lỗ Nguyên công chúa.

Năm 202 TCN, Lưu Bang hợp sức với các chư hầu diệt được Hạng Vũ, lên ngôi Hoàng đế. Lã Trĩ được phong làm Hoàng hậu, Lưu Doanh là Thái tử. Bà là vị Hoàng hậu chính thức đầu tiên của Trung Quốc từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, lập nên Đế quốc ở Trung Nguyên.

Nắm giữ quyền lực nhà Hán

Sau khi trở thành Hoàng hậu, Lã Trĩ được Hoàng đế giao cùng Thừa tướng Tiêu Hà và các đại thần trông coi triều chính tại Trường An.

Lã hậu thể hiện tài trí khôn ngoan, cứng rắn, thiết lập giao tình tốt với các quan triều đình. Tất cả vừa kính vừa sợ sự tàn nhẫn trong hành vi cai trị của bà.

Lã Hậu giúp Hán Cao Tổ trừ khử nhiều công thần để tập trung quyền lực, trong đó có Hàn Tín và Bành Việt.

Sau này, Hoàng đế yêu mến Thích phu nhân, muốn lập con bà là Như Ý lên làm Thái tử. Thấy vậy, Lã hậu bèn lập mưu giúp Lưu Doanh xây dựng vây cánh, giữ vững ngôi vị.

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ băng hà, Lưu Doanh lên ngôi Hoàng đế, Lã hậu trở thành Hoàng thái hậu. Bà có ý trả thù mẹ con Thích phu nhân.

Thái hậu bắt giam Thích phu nhân ở Vĩnh Hạng cung, sai người gọi Triệu vương Như Ý ở đất phong nước Triệu về. Hán Huệ Đế thương em trai, bèn đi đón Như Ý ở Bá Thượng, kèm ăn uống, đi đứng đề phòng bất trắc. Nhưng cuối cùng, Như Ý vẫn bị cho uống thuốc độc chết.

Bất lực trước sự độc ác của mẹ ruột, Hoàng đế sa vào rượu chè rồi lâm bệnh, Lã Thái hậu nắm quyền triều chính.

Năm 188 TCN, Hán Huệ Đế qua đời khi mới 22 tuổi. Lã Thái hậu khóc nhưng không rơi nước mắt. Theo “Sử ký”, bà đã giết chết một phi tần mới sinh con cho Huệ Đế là Mỗ thị, sau đó giả là Hoàng hậu vừa sinh, lập làm Tân đế, gọi là Hán Tiền Thiếu Đế.

Lã Thái hậu vẫn giữ tôn hiệu là Hoàng thái hậu. Bà công khai đăng triều thay Hoàng đế nắm quyền điều hành triều chính, gọi là “Lâm triều xưng Chế”.

Từ đó, bà trở thành Nữ chủ nhân đầu tiên của một chính quyền hoàng triều trong lịch sử Trung Quốc, công khai nắm quyền mà không cần kiêng dè Hoàng đế. Trong thời gian này, quy cách của bà y hệt Hoàng đế, trong chiếu thư toàn tự xưng là Trẫm.

Thời kỳ trị vì của bà được liệt kê riêng thành một giai đoạn trong lịch sử nhà Hán, được ghi chép thành một Bản kỷ trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, vốn chỉ để chép truyện về các Hoàng đế.

Để củng cố quyền lực, Lã Thái hậu phong vương cho con cháu họ Lã. Khi Thiếu đế lớn bắt đầu hiểu chuyện, căm giận Lã Thái hậu giết hại mẹ mình. Thấy vậy, Lã Thái hậu sai người giam Thiếu đế ở Vĩnh Hạng cung, nói rằng Hoàng đế mắc bệnh không thể gặp người ngoài.

Không ai dám ngăn cản, Lã Thái hậu liền giết luôn Thiếu đế, lập một người con khác của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa làm Hoàng đế, cải danh gọi Lưu Hồng. Lã Thái hậu vẫn tiếp tục cầm quyền chính trong triều.

Năm 180 TCN, Lã Thái hậu qua đời, thọ 61 tuổi. Đoạn kết “Lã hậu bản kỷ” trong “Sử Ký” ghi nhận: “Thời Lã hậu cầm quyền tuy có làm đảo lộn cung đình nhà Hán, giết hại các hoàng tử nhà Hán nhưng không làm xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt với dân chúng, thiên hạ được yên, nhân dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ”.

Nguồn: Laodong.vn