Chàng trai mê chụp ảnh săn tìm ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam

Phạm Quang Tuyên – nhiếp ảnh gia tự do đã đặt chân đến gần 20 địa điểm có ruộng bậc thang đẹp nhất nhì vùng núi Bắc bộ.

Là nhiếp ảnh gia tự do, ưa trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới, Phạm Quang Tuyên, hiện sinh sống tại Hà Nội, tự nhận mình có niềm yêu thích đặc biệt với những ruộng bậc thang tại Việt Nam. Với chiếc máy ảnh trên tay, chàng trai người Gia Lai đã đi gần hết những ruộng bậc thang đẹp nhất vùng núi Bắc bộ.

Ảnh: NVCC
Hình ảnh ruộng bậc thang được anh Tuyên chụp tại bản Dế Xu Phình (Yên Bái). Ảnh: NVCC

Quang Tuyên chia sẻ: “Mình có thể ngồi cả ngày ở một mỏm đá, một căn chòi nào đó để ngắm những mảng xanh, thảm vàng trải dài đan xen dưới những chân núi hùng vĩ. Được hít tràn lồng ngực mùi hương lúa thơm dịu nhẹ, với mình đó là mùi hương “gây nghiện” nhất trên đời”.

Anh Tuyên cho biết mình đã nhìn ngắm ruộng bậc thang ở hầu hết các địa điểm vùng Đông, Tây bắc bộ như bản Dế Xu Phình (Yên Bái), Tam Cốc (Ninh Bình), bản Nậm Khoà (Hà Giang), bản Tả Van (Sa Pa)… và ghé thăm Tây Nguyên để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang ở làng Con Vơng Kia (Kon Tum). Điểm chung của những nơi này là đều giữ được nét hoang sơ, hùng vĩ, đời sống người dân bình dị.

Ảnh:
Nhiếp ảnh gia trẻ cho biết mình đã đi hầu hết những ruộng bậc thang tại vùng Đông và Tây bắc bộ. Ảnh: NVCC

Quang Tuyên cho rằng những thửa ruộng mang tính biểu tượng của du lịch Việt Nam là sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp của tạo hoá và sự khéo léo, cần mẫn của biết bao thế hệ người dân địa phương.

“Đi chiếc xe số cà tàng, len lỏi vào những bản làng nhỏ, mình cảm nhận được hương lúa chín. Được ngắm nhìn nhịp sống nhẹ nhàng của người dân địa phương, mình thấy sự bon chen chẳng thể hiện diện ở những nơi này” – anh cho biết.

Hình ảnh đồng lúa chín là biểu tượng của thiên nhiên yên bình, hùng vĩ và sự khéo léo, chăm chỉ của con người Việt Nam. Ảnh: NVCC
Hình ảnh đồng lúa chín là biểu tượng của thiên nhiên yên bình và sự khéo léo, chăm chỉ của con người Việt Nam. Ảnh: NVCC

Để thỏa mãn đam mê ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vùng núi cao, chàng trai này phải trải qua không ít những khó khăn trên đường đi.

“Đa phần đường đến những điểm này đều sẽ có đối chút khó khăn, hoặc là đường xấu, hoặc là đường rất cao và dốc nên phải thực sự chắc tay lái”, anh nói.

Sự cố hay gặp nhất là lạc đường vì đi tự túc bằng xe máy và chỉ biết đi theo ứng dụng chỉ đường trên điện thoại. Thêm nữa, thời tiết vùng núi cao vào mùa lúa chín thường có mưa, đường sình lầy gây khó khăn trong việc di chuyển.

Anh Tuyên khẳng định đường đi đa phần rất xấu, cao và dốc nên không tránh khỏi đôi chút khó khăn. Ảnh: NVCC
Mùa lúa chín tháng 7 ở thung lũng Bắc Sơn nhìn từ đỉnh Nà Lay, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: NVCC

“Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và bản Phùng (Hà Giang) là nơi mình gặp nhiều khó khăn nhất khi di chuyển. Nhưng mình cũng cố gắng tận hưởng cả quá trình đến đó” – anh cho biết.

Trong chuyến đi đến Lạng Sơn, anh không may gặp tai nạn giao thông và bị trầy xước ở chân. Tuy vết thương không quá nặng, đó lại là vô cùng đáng nhớ vì lần đầu tiên anh gặp va chạm trong hành trình du lịch suốt nhiều năm.

Dù chân bị đau, nam du khách vẫn cố leo hơn 1.000 bậc đá cao dốc đứng để lên tới đỉnh Nà Lay, Bắc Sơn với mong muốn ngắm toàn cảnh đồng lúa chín vàng từ trên cao.

“Với một người không thích thể dục thể thao như mình thì rất rất mệt, nhưng đáng”, anh nói.

Những khó khăn trên hành trình đi là trải nghiệm đáng giá cho người đam mê khám phá vùng đất mới. Ảnh: NVCC
Dù gặp sự cố ngoài ý muốn và khá đau chân, anh vẫn quyết leo hết 1.000 bậc đá cao để ngắm đồng lúa chín tại Nà Lay. Ảnh: NVCC

Quang Tuyên khẳng định chính những khó khăn trên đường đi sẽ để lại cho bản thân nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Những ruộng lúa đẹp ngút ngàn cũng chính là phần thưởng xứng đáng cho người dám vượt qua những cung đường khó khăn.

Nguồn: Laodong.vn