Sẽ sơn “cũ” lại Chùa Cầu Hội An cho điệp màu thời gian

Chủ tịch UBND TP Hội An ông Nguyễn Văn Sơn cho biết sẽ sơn lại, “làm cũ” Chùa Cầu trước khi khánh thành, đưa vào sử dụng lại.

Sẽ sơn "cũ" lại Chùa Cầu Hội An cho điệp màu thời gian
Chùa Cầu Hội An trước khi trùng tu có màu rêu phong, cũ kỹ. Ảnh: Tiến Nhựt

Trả lời Báo Lao Động chiều 28.7, Chủ tịch UBND thành phố Hội An – ông Nguyễn Văn Sơn cho biết chính quyền đã bàn bạc với ngành Văn hóa, các cơ quan quản lý di tích, thống nhất việc sẽ lấy thêm ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia tư vấn để sơn vôi lại công trình Chùa Cầu sau trùng tu.

Ông Sơn cho biết, sau khi có ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối từ dư luận, người dân, chính quyền Hội An đã đến hiện trường, xem xét lại. “Đồng ý với những ý kiến thấu đáo và rất có thiện chí từ người dân. Dù quá trình trùng tu đã rất trung thành với nguyên bản, song màu mới của sơn vôi đúng là hơi sáng chói, lệch khá xa với màu cũ của công trình. Với chất liệu vôi, chỉ sau vài mùa mưa thì màu rêu cũ sẽ trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, ngay lúc này, màu sáng mới của vôi hơi đậm, gây phản cảm với hình ảnh rêu phong, cũ kỹ màu thời gian của phố cổ. Đây là ý kiến đóng góp chính đáng. Chúng tôi sẽ cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình” – ông Sơn nói.

Như Lao Động đã thông tin, Chùa Cầu, Hội An có lịch sử gần 400 năm, ở vùng thấp trũng, bị ngập lụt hàng năm, kết cấu chủ yếu bằng gỗ, vì vậy xuống cấp theo thời gian. Chùa Cầu từng 7 lần được tu bổ lớn. Lần gần nhất là năm 1986.

Từ 28.12.2022, dự án trùng tu Chùa Cầu, Hội An đã khởi công với kinh phí hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Đến nay đã hoàn tất, dự kiến ngày 3.8.2024 sẽ khánh thành, đưa vào hoat động lại bình thường.

Tuy vậy, ngay từ 28.7, hình ảnh sáng, mới của Chùa Cầu đã bị dư luận “chê bai”. Thậm chí nhiều ý kiến suy diễn vì cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi hình ảnh cổ kính, rêu phong và đẹp của Chùa Cầu.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An – ông Nguyễn Văn Sơn, Chùa Cầu đã hoàn tất trùng tu. Quá trình thực hiện được giám sát chặt chẽ từ cán bộ ngành văn hóa, cơ quan Trung ương và có chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia. Dự án đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Trùng tu đảm bảo tiệm cận với tính nguyên gốc, nguyên bản. Chỉ thay thế những cột, trụ, thanh gỗ đã mục, hỏng, nguy cơ sụp đổ công trình.

Chỉ trùng tu, gia cố móng, cột, kết cấu… để đảm bảo an toàn cho di tích và tính bền vững. Còn lại đã lắp ráp nguyên cũ, lợp lại ngói cũ…

Nguồn: Laodong.vn