Sau thời gian bùng nổ, hiện tại, các chương trình hài trên truyền hình đã không còn giữ được sức hút, thậm chí có show còn mất hút, không sản xuất mùa tiếp theo.
Show truyền hình hài đã hết thời
Còn nhớ, từng có thời điểm, các chương trình hài chiếm sóng truyền hình, thậm chí nhiều khán giả còn cho rằng, “cứ bật tivi lên là thấy gameshow hài”. Điều này thể hiện việc một thời gian, khán giả rất yêu thích thể loại này, thậm chí còn dành sự ưu tiên theo dõi hơn cả các show thực tế, chương trình âm nhạc…
Tuy nhiên, từ 2022 – 2024, gameshow hài thưa thớt hẳn. Những chương trình ăn khách một thời như: Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm… nhà sản xuất không làm các mùa tiếp theo.
Trong năm 2024, khán giả chỉ thấy một gameshow hài hiếm hoi còn trụ vững lên sóng truyền hình là “Cười xuyên Việt 2024”. Chương trình cũng vừa khép lại với chiến thắng thuộc về đội của Hoa hậu Phan Thị Mơ.
Có thể nói, các gameshow thi thố hài là nơi sản sinh ra không ít ngôi sao ở thời điểm hiện tại. Trong đó phải kể đến Minh Dự, Võ Tấn Phát, Mạc Văn Khoa… đều trưởng thành từ việc thi thố ở các chương trình như Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt…
Có thể thấy, sự đào thải của các gameshow hài hiện nay rất khắc nghiệt khi giờ đây các show như vậy đã không còn được khán giả ưa chuộng. Thậm chí, nhà sản xuất nỗ lực thay đổi format, luật chơi cũng không đủ sức níu chân người xem. Đơn cử “Cười xuyên Việt” đã cố gắng đổi mới đặc biệt trong mùa 2024 này. Thay vì tập trung vào diễn xuất, chương trình bày ra thêm một số tập chơi trò chơi vận động gây cười, kéo dài phần chọn đội để tăng tương tác…
Nhưng điều này vô tình tạo thành “con dao hai lưỡi” khi không giúp chương trình tăng sức hút mà ngược lại “Cười xuyên Việt 2024” bị chê mất chất, rối rắm, cài cắt tình tiết không hợp lý. So với nhiều năm trước, chất lượng thí sinh giảm hẳn, khâu tìm kiếm ý tưởng, kịch bản hay cũng như “đãi cát tìm vàng”.
Đâu là nguyên nhân khiến gameshow hài “chết”?
Không thể phủ nhận, gameshow một thời từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Trong đó, nhiều chương trình phát sóng vào khung giờ vàng, giúp khán giả tiện coi cùng các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, một thời điểm, gameshow hài chiếm sóng dẫn đến tình trạng bội thực, một số show bị chê lố, câu view phản cảm bị khán giả tẩy chay. Chính vì thế, dần dà các chương trình này giảm dần sức hút với công chúng. Cộng thêm, việc các gameshow sản xuất nhiều mùa nên những mảng miếng hài, format chương trình cũ kỹ, không gây được ấn tượng với người xem.
Hiện tại, khán giả đang có nhiều sự lựa chọn giải trí. Một bộ phận khán giả trẻ đang có xu hướng yêu thích các gameshow thi thố âm nhạc nhiều hơn. Đơn cử như Ca sĩ mặt nạ, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng… đều có độ lan tỏa mạnh. Hai show mới nhất là Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai cũng đang nhận về sự quan tâm lớn. Trong đó, Anh trai say hi đã lên sóng tập đầu tiên với nhiều thành tích về lượt xem.
Nhiều video hài trên các nền tảng cũng là đối thủ cạnh tranh với gameshow hài. Điểm mạnh của những video này là do các diễn viên không chuyên đóng, bắt trend tốt, dễ tạo hiệu ứng lan tỏa. Các video ngắn gọn, không mất nhiều thời gian của người xem nên được hưởng ứng mạnh.
Tuy nhiên, nhiều video hài này còn chứa những từ ngữ thô thiển, tình huống phản cảm hoặc bình dân quá mức. Nhiều video đạt hàng triệu tới hàng chục triệu lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ do mạng xã hội như Tiktok, Facebook khó kiểm soát nội dung như truyền hình. Điều này cũng tạo nên những tranh cãi với khán giả.
Suy cho cùng, có thể thấy, cốt lõi vẫn nằm ở câu chuyện nội dung. Nếu một sản phẩm, chương trình chất lượng, người xem sẽ ủng hộ, bởi hài được xem là một loại hình giải trí khó có thể thiếu với khán giả Việt.
Nguồn: Laodong.vn