Quảng Nam – Sau khi diện mạo của Chùa Cầu gây tranh luận sau hơn 1,5 năm trùng tu, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) chia sẻ với Lao Động về vấn đề này.
Diện mạo sau cuộc trùng tu Chùa Cầu với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng là tâm điểm của dư luận những ngày qua. Từ khi được triển khai vào cuối năm 2022, dự án đến nay hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình…
Tuy các công đoạn cuối chưa hoàn thiện, diện mạo mới của Chùa Cầu đang nhận những ý kiến trái chiều như nước sơn vôi chưa phù hợp, không giữ nét cổ kính…
Trả lời Lao Động, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa đã thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế và quá trình triển khai trùng tu.
Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo, hội nghị, mời nhiều giáo sư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về dự án tu bổ di tích.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, khởi công vào ngày 28.12.2022. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý. Nhà nước cấp ngân sách cho tỉnh, sau đó UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn di tích để tu bổ theo chương trình trung hạn.
Ông Trần Đình Thành nhấn mạnh toàn bộ thông tin dự án này đã được công khai tại địa phương, về cả nội dung triển khai, thiết kế, cho đến quá trình triển khai. Cục Di sản đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam và chuyên gia Nhật Bản trong quá trình lên phương án thiết kế cũng như triển khai thi công.
Dự kiến Chùa Cầu được khánh thành vào ngày 3.8, nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 20. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết dự án trùng tu Chùa Cầu vẫn cần nghiệm thu.
Trước những ý kiến của du khách và người dân, Cục Di sản văn hóa đang đề nghị địa phương báo cáo cụ thể và trả lời một cách chính xác.
Trước đó, trả lời Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết việc trùng tu được giám sát chặt chẽ từ cán bộ ngành văn hóa, cơ quan Trung ương và có chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia, trên nguyên tắc công khai, minh bạch.
Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo tiệm cận với tính nguyên gốc, nguyên bản. Chỉ thay thế những cột, trụ, thanh gỗ đã mục, hỏng, nguy cơ sụp đổ công trình. Chỉ trùng tu, gia cố móng, cột, kết cấu… để đảm bảo an toàn cho di tích và tính bền vững; còn lại đã lắp ráp nguyên cũ, lợp lại ngói cũ…
“Tuy vậy, màu mới của sơn vôi sáng chói, lệch khá xa với màu cũ của công trình bị rêu phong màu thời gian, nên đã gây ra nhiều ý kiến phản đối. Đây là ý kiến đóng góp chính đáng. Hiện chúng tôi đang trao đổi, tìm giải pháp chỉnh sửa để màu công trình phù hợp hơn”, ông Sơn thông tin.
Nguồn: Laodong.vn