Ngày 30.7, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã – Giá trị lịch sử và bài học”.
Hội thảo được Bộ Quốc phòng phối hợp Thành ủy Hà Nội, huyện Sóc Sơn, Viện Lịch sử quân sự tổ chức. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, năm 1954, cùng với Hội nghị Genève bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra Hội nghị bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Sau 23 ngày đàm phán (từ ngày 4 đến 27.7.1954), hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh, Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương, góp phần để Hội nghị Genève đi đến ký kết các văn bản về chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường cho biết: “Hội thảo là nguồn bổ sung quý về tư liệu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đang được Thành phố Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp, giúp cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến của huyện thêm phong phú, giá trị”.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn nhấn mạnh, trong 70 năm qua, Hội nghị quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia, tạo nên thành công của hội nghị như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, đồng chí Lê Quang Đạo… vẫn luôn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân Sóc Sơn, trong bài học về lịch sử của các thế hệ học sinh Sóc Sơn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự – cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 báo cáo, tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu luận giải từng vấn đề, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về Hội nghị quân sự Trung Giã. Các tham luận được Ban Tổ chức tổng hợp, xuất bản thành kỷ yếu.
Tiến sĩ Lê Thanh Bài cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để củng cố, phát huy giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hội nghị Trung Giã trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nguồn: Laodong.vn