Vụ việc của Byeon Woo Seok làm dấy lên tranh luận về việc mức độ bảo vệ cho người nổi tiếng ở sân bay thế nào là hợp lý.
Theo Korea Times, không còn lạ lẫm khi thấy cảnh đám đông người hâm mộ vây quanh người nổi tiếng tại sân bay – một trong những địa điểm phổ biến nhất ở Hàn Quốc để ngắm nhìn người nổi tiếng.
Để cố gắng đến gần ngôi sao yêu thích của mình, những người hâm mộ này thường chờ đợi ở sân bay hàng giờ, thậm chí mang theo những chiếc máy ảnh nặng chỉ để có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với thần tượng của họ.
Không giống như những buổi hòa nhạc hay buổi họp mặt người hâm mộ chính thức, việc gặp gỡ nghệ sĩ tại sân bay là miễn phí, người hâm mộ không cần phải tham gia vào cuộc chiến săn vé khốc liệt. Không gian sân bay cho phép fan đến gần hơn với thần tượng, chụp ảnh và quay video cận cảnh.
Một phóng viên tiết lộ, có những người mang theo máy ảnh đắt tiền và chuyên nghiệp hơn cả phóng viên. Tuy nhiên, những người này không hẳn là người người hâm mộ thực sự.
Họ có thể là “người bán dữ liệu”, mang hình ảnh video của mình bán cho những người hâm mộ khác để kiếm tiền, hoặc bán thông tin chuyến bay của người nổi tiếng.
Theo phóng viên ảnh, xu hướng người hâm mộ vây quanh người nổi tiếng tại sân bay bắt đầu vào những năm 2010, với sự trỗi dậy của “thời trang sân bay”.
Trang phục sân bay của các ngôi sao dần trở thành phương tiện để quảng cáo cho nhãn hàng, biến sân bay thành sàn diễn, làm mờ ranh giới giữa không gian cá nhân và sự phô trương trước công chúng.
Vì lý do an toàn, hầu hết người nổi tiếng đều có xu hướng thuê vệ sĩ tại sân bay. Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi dẫn đến những cuộc đụng độ bất ngờ giữa nhân viên an ninh và người hâm mộ quá khích, hoặc cả những du khách bình thường.
Sự cố gần đây gây tranh cãi là việc vệ sĩ của nam diễn viên “Cõng anh mà chạy” Byeon Woo Seok tự ý chặn cổng, chiếu đèn vào các hành khách, kiểm tra vé và hộ chiếu của những người vào phòng chờ – điều mà nhân viên an ninh tư nhân không được phép làm.
Nhóm nhạc nam Kpop Cravity cũng gặp phải vấn đề tương tự, khi một người tự nhận là trẻ vị thành niên, tuyên bố bị vệ sĩ của Cravity đánh vào đầu tại Sân bay quốc tế Gimpo và đệ đơn kiện.
Song, theo Korea Times, bảo vệ quá mức có thể gây ra vấn đề, nhưng bảo vệ không đầy đủ cũng có thể dẫn đến các nguy cơ thiếu an toàn cho người nổi tiếng.
Gần đây, một video ghi lại cảnh đám đông tụ tập, xô đẩy nhau khi sao phim “Nữ hoàng nước mắt” Kim Ji Won xuất hiện tại sân bay, khiến người hâm mộ nữ diễn viên lo lắng.
Nhà phê bình văn hóa Kim Seong Soo cho biết, điều này đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các công ty giải trí. Họ phải cân bằng giữa việc thúc đẩy sự nổi tiếng và quyền con người đối với nghệ sĩ của mình.
Sân bay quốc tế Incheon đang chịu áp lực sau vụ việc của Byeon Woo Seok và hứa sẽ tăng cường các biện pháp an ninh, mà không làm bùng nổ thêm cuộc tranh luận của công chúng về việc đối xử ưu ái với người nổi tiếng.
Phóng viên ảnh đề xuất thiết lập cổng khởi hành riêng cho người nổi tiếng. Tuy nhiên, điều này có thể bị dư luận phản đối.
Korea Times nhấn mạnh, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tai nạn tại sân bay là mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
Cộng đồng người hâm mộ nhóm BTS, ARMY, gần đây tạo thiện cảm khi thành viên Jin lên chuyến bay đến Paris để tham gia lễ rước đuốc Olympic Paris 2024.
Bất chấp đám đông có mặt tại sân bay, những người ủng hộ Jin vẫn tuân thủ các vạch an toàn được chỉ định và cổ vũ anh từ xa. Trong khi đó, ngôi sao này đích thân chào đón từng người hâm mộ khi anh bước vào nhà ga.
“Phản ứng của công ty quản lý cũng rất quan trọng. Công ty của BTS là một ví dụ điển hình, đã phối hợp với Sân bay quốc tế Incheon để tạo ra những con đường an toàn cho nghệ sĩ” – phóng viên ảnh chia sẻ.
Nguồn: Laodong.vn