Trùng tu di tích nhìn từ chuyện Chùa Cầu

Sau 19 tháng trùng tu, Chùa Cầu (Hội An) vừa được dỡ bỏ phần tường bao, lộ diện trước công chúng và lập tức gây tranh cãi.

Trùng tu di tích nhìn từ chuyện Chùa Cầu
Ngọ Môn “mới quá” sau khi làm sạch rêu năm 2019. Ảnh: Bùi Ngọc Long

Trùng tu công trình 400 năm tuổi

Chùa Cầu thuộc danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vì vậy việc trùng tu phải tuân theo Luật Di sản văn hóa và Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bộ và Cục Di sản đã thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế và quá trình triển khai trùng tu. Cục cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo, hội nghị, mời nhiều giáo sư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về dự án tu bổ di tích. Toàn bộ thông tin dự án này đã được công khai tại địa phương, về cả nội dung triển khai, thiết kế, cho đến quá trình triển khai. Cục cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam và chuyên gia Nhật Bản trong quá trình lên phương án thiết kế và triển khai thi công.

Trong khi hầu hết ý kiến chê diện mạo mới của Chùa Cầu đến từ “cộng đồng mạng”, một số chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực di sản, di tích lại bày tỏ thái độ đồng tình với kết quả công việc của dự án trùng tu Chùa Cầu.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn khẳng định, công tác trùng tu Chùa Cầu đã tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật. “Tôi tán thành phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, sau khi tổ chức hội thảo chuyên gia để đánh giá và lựa chọn phương án. Công tác trùng tu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, đạt kết quả trùng tu tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn” – TS Trần Đức Anh Sơn viết trên Facebook cá nhân.

“Sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: Phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc… đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công.

Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết. Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây”.

Anh Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty CP Vạn Thiên Y cho biết: “Kết quả của dự án trùng tu Chùa Cầu lần này thực sự đã làm nức lòng anh em làm di sản và những người yêu di sản cả nước”.

Anh Hiệu cho rằng, di tích ở Việt Nam lâu nay ít khi ở trong tình trạng sạch sẽ, nguyên trạng nhất, mà thường xuyên phải làm bạn với rêu phong, ẩm mốc, nứt nẻ, bụi bặm, gỗ mục, đá nứt, tường xiêu… đến độ người ta quen mắt, coi chính những cái cũ nát xuống cấp đó lại là hồn cốt và phong cách phải có của một di tích. Thành ra, có thay đổi lạ mắt, tất sẽ có phản ứng dữ dội.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Hiệu tin rằng, sự chú ý của công chúng với Chùa Cầu có điểm tích cực là thể hiện sự quan tâm với di sản văn hóa. Và nếu càng có thêm nhiều những dự án tu bổ thành công như Chùa Cầu hay các lăng tẩm ở Huế thì sẽ đem đến góc nhìn đúng hơn cho người dân về hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản, di tích.

Nhìn nhận ra sao về trùng tu di sản?

Đây không phải lần đầu tiên dư luận trong nước lên tiếng về diện mạo di tích, di sản văn hóa sau trùng tu.

Năm 2022, ngôi biệt thự Pháp cổ tại địa chỉ 49 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở thành tâm điểm tranh cãi vì đột ngột trở nên “mới mẻ, mất đi nét cổ kính rêu phong” sau khi hoàn thiện công tác trùng tu. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp Chùa Cầu, các chuyên gia về di sản và kiến trúc khi đó khẳng định, công tác trùng tu ngôi biệt thự này “là kiểu mẫu trong việc phục hồi di sản”. Đơn vị trùng tu đã nghiên cứu kỹ các tư liệu còn lại, đặc biệt về màu sơn đã “pha màu sát nhất với nguyên gốc”.

Các chuyên gia di sản cho rằng, sau khi trùng tu công trình bao giờ cũng “trông có vẻ mới hơn” so với sự cũ kỹ thường thấy trước đó, qua thời gian nét cổ kính sẽ được phục hồi.

“Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả” – TS Trần Đức Anh Sơn phân tích.

Qua đó có thể thấy, việc trùng tu di tích, di sản ở nước ta thời gian đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thận trọng, hiệu quả, lắng nghe ý kiến dư luận. Tuy nhiên, cũng từ câu chuyện Chùa Cầu, nên chăng các đơn vị hữu quan có thể lựa chọn công bố kết quả quá trình trùng tu bằng hình ảnh, văn bản, thông qua các cơ quan báo chí hoặc mạng xã hội trước khi chính thức ra mắt, đồng thời giải thích để công chúng hiểu rõ hơn về điều sắp được chứng kiến, thay vì để dư luận phàn nàn rồi mới lên tiếng giải thích.

Nguồn: Laodong.vn