Những xôn xao về hình ảnh Chùa Cầu Hội An khác, mới sau trùng tu đã tạm khép lại. Chính quyền Hội An đã tiếp thu ý kiến nhân dân, cho chỉnh sửa màu sơn phù hợp, giống hiện trạng cầu cũ hơn…
Là di tích quốc gia đặc biệt, biểu tượng của giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản, hình ảnh nhận diện của ngành du lịch miền Trung, Việt Nam, Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn bị hư hại, xuống cấp.
Nguyên Chủ tịch, Bí thư Hội An – ông Nguyễn Sự – cho biết, việc hạ giải Chùa Cầu để đại trùng tu đã tính cách đây hơn 30 năm. Tuy vậy, các điều kiện về khoa học, kỹ thuật trùng tu chưa đáp ứng, vì vậy mà sau nhiều lần tổ chức hội thảo, nhưng chưa thực hiện được. Việc sửa chữa, chắp vá theo kiểu chống đỡ tiềm ẩn nguy cơ rất cao đối với công trình này.
Chùa Cầu xây dựng đến cuối thế kỷ XX, đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Bất cứ đợt trùng tu nào thì chính quyền địa phương và ngành văn hóa cũng cẩn trọng, khoa học với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ tháng 8.2016, Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Kết quả thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu phải được xây dựng một dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.
Từ đó, công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ…
Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê sau: Có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Việc trùng tu đảm bảo nguyên tắc cơ bản là nguyên gốc, nguyên bản và tính chân xác. Tuy vậy, khi hạ giải, đại trùng tu, lắp ráp lại thì màu sắc không thể như cũ. Dẫu vậy, tiếp thu ý kiến từ người dân, Hội An sẽ cho sơn phủ lại màu cho gần giống hiện trạng cũ.
Hội An có gần 1.000 ngôi nhà cổ, trong số đó có 844 căn nằm trong danh sách của UNESCO. Nhiều công trình chùa, hội quán… đều là kiến trúc gỗ, cổ. Vì vậy công tác trùng tu, sửa chữa gần như liên tục, thường xuyên. Nhất là sau mỗi mùa mưa, ngập lụt. Đó là cách người dân địa phương bao đời nay gìn giữ di tích này.
Trả lời Báo Lao Động, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho biết, trên thế giới hiện nay có nhiều trường phái, nhiều quan điểm khác nhau về trùng tu di tích, mặc dù mục đích cuối cùng vẫn là phục hồi công trình với tất cả những giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… mà nó vốn có.
Ở Nhật Bản, hầu hết các công trình sau khi được trùng tu thì đều có vẻ mới nguyên như vừa được xây dựng, thế nhưng dư luận không ai có ý kiến về việc công trình có vẻ “mới” như vậy, họ chỉ quan tâm đến việc trùng tu có đảm bảo đúng chất lượng, đúng quy trình, đúng công nghệ, kỹ thuật truyền thống hay không.
Tại Huế, quá trình trùng tu nhiều di tích cũng từng bị phản ứng, có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo TS Hải, điều quan trọng nhất là chất lượng trùng tu công trình. Một dự án trùng tu đạt kết quả tốt nhất là dự án tuân thủ đúng các nguyên tắc về trùng tu di sản, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp với chất lượng cao nhất.
Công tác trùng tu di tích Chùa Cầu đã được thực hiện rất bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế.
Nguồn: Laodong.vn