Bài toán từ việc tu bổ Chùa Cầu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

KTS Tôn Thất Liêm – chuyên gia kiến trúc đô thị (Hội Kiến trúc sư TPHCM) – chia sẻ với Lao Động về bài học từ dự án trùng tu Chùa Cầu ở TP Hội An, Quảng Nam.

Chùa Cầu trước và sau trùng tu (phải). Ngày 30.7, đơn vị trùng tu Chùa Cầu đã quét vôi sẫm ở phần hông để “hài hòa với phần móng”.
Chùa Cầu trước và sau trùng tu (phải). Ngày 30.7, đơn vị trùng tu Chùa Cầu đã quét vôi sẫm ở phần hông để “hài hòa với phần móng”.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự việc tranh cãi quanh phương án “trùng tu hạ giải” Chùa Cầu?

Chùa Cầu Hội An đã được xây dựng từ thế kỷ 17, đến nay đã hơn 400 năm, hư hỏng rất nặng.

Trùng tu, sửa chữa để giữ di sản tồn tại không bị sụp đổ là việc cần phải làm, và thực tế Hội An chọn phương án “trùng tu hạ giải” là hoàn toàn chính xác và phù hợp.

Thực tế, Hội An đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được và chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng mục nát mà thôi. Cá nhân tôi đánh giá cao giải pháp kỹ thuật này.

Về bản chất, công trình vẫn như vậy, bảo tồn nguyên vẹn giá trị kiến trúc và kết cấu, không phải một công trình xây mới hoàn toàn.

Chùa Cầu đã hạ giải toàn bộ để trùng tu, tôn tạo. Ảnh: An Thượng
Chùa Cầu đã hạ giải toàn bộ để trùng tu, tôn tạo. Ảnh: An Thượng

Ông cho rằng, có điều gì cần lưu ý nhất về diện mạo của một công trình 400 tuổi vừa được trùng tu?

Công trình vừa làm xong vào tháng 7.2024, các mạch vữa còn mới, sơn vôi còn mới, mái ngói và các họa tiết còn mới.

Tất cả cần phải trải qua sự phong hóa theo thời gian bởi sự khắc nghiệt của thời tiết như nắng, mưa, gió bão… công trình mới có được sự “rêu phong”, “cũ kỹ” cần thiết.

Sẽ rất hoang tưởng nếu đòi hỏi công trình mới trùng tu phải đạt độ cổ kính rêu phong như di tích 400 năm tuổi.

Thời điểm xây dựng bản gốc (thế kỷ 17) và thời điểm trùng tu mới đây (2024) cách nhau hơn 400 năm, nguồn vật liệu xây dựng hoàn toàn khác nhau. Có những vật liệu 400 năm trước bây giờ không thể tìm ra vật liệu thay thế giống nguyên bản 100%.

Do vậy, hướng trùng tu bám gần đúng nhất với nguyên bản trong điều kiện có thể nỗ lực làm được là việc mà Hội An đã làm tốt, chúng ta cần ghi nhận.

Ví dụ, những chi tiết mộng gỗ, liên kết, vì kèo, cho đến lớp mái… tất cả đều đã được thi công mấy trăm năm về trước, bằng kỹ thuật hoàn toàn khác.

Kỹ thuật bây giờ khác nhưng khi thực hiện, các chuyên gia phải nghiên cứu rất kỹ để làm sao những chi tiết mới hoàn toàn khớp với những kết cấu cũ.

Khách quan mà nói, chúng ta cần đánh giá dự án trùng tu này với tinh thần đúng như câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tức là nhìn vào những bước trùng tu công phu về kết cấu của công trình thay vì màu sắc.

Các hạng mục còn lại của công trình được gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị khai trương vào 3.8. Ảnh: Như Nguyệt
Các hạng mục còn lại của công trình được gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị khai trương vào 3.8. Ảnh: Như Nguyệt

Từng có thời gian tu nghiệp tại Thụy Điển và Nhật Bản, kiến trúc sư có thể chia sẻ thêm về bài học từ hai quốc gia có kinh nghiệm bài bản trong trùng tu kiến trúc di sản?

Tại Nhật Bản có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, không ít trong số đó từng bị phá hủy đến mức cháy rụi hoàn toàn.

Để khôi phục một di sản kiến trúc, chuyên gia sẽ đi tìm tất cả tài liệu liên quan, phỏng vấn người dân những chi tiết về công trình… để xây dựng bản vẽ thiết kế và xây dựng mới hoàn toàn nhưng vẫn giữ kết cấu, kỹ thuật truyền thống, giá trị lịch sử.

Điều quan trọng là khi một công trình hoàn thành, người dân không bao giờ chất vấn về màu sơn mới, hay phê phán rằng một công trình cổ mang màu sắc quá rực rỡ. Trái lại, họ hết sức trân quý những nỗ lực trùng tu di tích, đặc biệt khi những giá trị cốt lõi được bảo tồn dựa trên những gì cộng đồng bảo lưu.

Chùa Cầu không phải công trình đầu tiên gây tranh cãi sau khi trùng tu. Nhà hát Lớn, biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo ở Hà Nội từng trở thành đề tài được bàn tán xôn xao vì màu sơn sau khi trùng tu. Vậy vấn đề thực sự nằm ở đâu?

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận điểm chốt thành công của việc trùng tu Chùa Cầu Hội An là gì. Chính là giữ được nguyên bản kiến trúc, kết cấu chịu lực. Việc trùng tu Chùa Cầu đã giữ đúng giá trị cốt lõi về mặt di sản kiến trúc – văn hóa – lịch sử của công trình.

Có chăng điều còn thiếu ở đây là công tác truyền thông. Dù thông tin về dự án hoàn toàn đúng nguyên tắc công khai minh bạch, dự án vẫn cần thông qua các phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin cho cộng đồng sâu rộng hơn.

Công chúng nên được biết về những khó khăn ban chuyên môn gặp phải, tập trung nghiên cứu tìm cách giải quyết và quá trình thực hiện. Thông tin cần được truyền đạt chủ động tới công chúng – không phải tất cả đều có chuyên môn, trình độ học thuật hay kinh nghiệm nghiên cứu khoa học – hiểu về dự án.

Ví dụ, công chúng cần biết rằng màu sơn mới sẽ được pha ra màu sắc gần đúng nguyên dạng. Hoặc, về độ mới của vật liệu, công chúng cần biết rằng công trình sẽ cần một khoảng thời gian để có đủ nắng mưa, độ ẩm… và điều kiện cần thiết để mang màu rêu phong. Từ từ, cát bụi thời gian sẽ tự đem đến nét cổ kính rêu phong cho Chùa Cầu.

Tôi cho rằng chúng ta hãy nên vui mừng cho Hội An, cho Việt Nam đã có thêm một công trình di sản được trùng tu thật sự có chất lượng, sẽ bền vững tồn tại trong tương lai.

Nguồn: Laodong.vn