Một lần “Ngang qua ngày cũ”

Tại không gian Art Space 42 Yết Kiêu, Hà Nội, ngày 27.7 vừa qua họa sĩ Nguyễn Thị Hà Phương đã bày triển lãm các tranh lụa của mình. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của cô sau 14 năm kể từ ngày tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Một lần “Ngang qua ngày cũ”
Tác phẩm “Gió mùa về”.

Gồm hơn 40 bức tranh lụa kích cỡ vừa và lớn, sáng tác từ 2019-2024 (nhiều nhất là các tranh sáng tác năm 2023), “Ngang qua ngày cũ” hòa trộn cả ký ức và hiện thực, mong ước và hoài niệm về một thế giới tươi đẹp họa sĩ gửi gắm vào. Nét nhẹ nhàng, duyên dáng không kém phần sâu lắng là cảm nhận chung về tinh thần các bức tranh. Phương vẽ cho mình nhưng chạm đến miền sâu giấu của nhiều người, đặc biệt là nữ giới.

Hình tượng chính lặp đi lặp lại ở các bức tranh là những cô gái nhỏ mặc áo dài với gương mặt sáng trong, hồn nhiên, nửa ngây thơ nửa thiếu nữ. Tên tranh Phương đặt: “Sớm tinh sương”, “Ra vườn”, “Trốn ngủ trưa”, “Kèn lá chuối”, “Đèn lồng hoa”, “Bịt mắt bắt dê”, “Mẹ sắp về”, “Bóc hạt sen”, “Khâu”, “Sửa soạn”, “Ngóng trăng”, “Đi chợ chiều”, “Sắp đến Tết”… đã ít nhiều gợi lên tính sóng đôi ấy. Các cô gái nhỏ vẫn còn “yêu” các trò chơi con trẻ, nhưng cũng đã “học” được nếp nữ công gia chánh, biết vun vén việc trong nhà; biết làm, biết chơi, làm với chơi nhẹ nhõm, thong dong.

Tác phẩm “Mẹ sắp về“.
Tác phẩm “Mẹ sắp về“.

Không ngẫu nhiên Hà Phương vẽ lụa chứ không phải bất kỳ chất liệu nào khác. Sự trong trẻo, nhẹ nhàng mà chất liệu này đem lại rất phù hợp để tôn lên tinh thần Phương muốn thể hiện. Thoạt nhìn các bức tranh có vẻ giống nhau, nhưng xem kỹ mỗi bức tranh lại có một nét tinh tế, sống động khác. Những đôi mắt Phương vẽ không hướng ánh nhìn vào người xem mà luôn “nghĩ ngợi” đâu đó, thả hồn đâu đó ở một thế giới riêng nào. Nhưng những bàn tay, những cái ôm luôn vừa đủ mềm mại và nâng niu. Những khăn, áo, tóc luôn gọn ghẽ, ngay ngắn, tinh tươm. Màu Phương dùng thường không nhiều, mà nền nã.

Hai điểm đáng lưu ý trong tranh lụa của Hà Phương là: vẽ lụa không lạm dụng loang nhòe và nhấn vào chi tiết nhỏ hết sức tinh tế. Chính vì vậy tranh của cô ngọt ngào, duyên dáng mà lại rất đời thực, rõ ràng, không mơ hồ xa lạ. Thế giới mà Phương vẽ có thể pha trộn cả hiện thực và giấc mơ, song đem lại sự xác tín: xưa nhưng không cũ, thân thuộc, ấm áp, vừa đủ xoa dịu, nâng đỡ tâm hồn.

Tác phẩm “Ngày hè“.
Tác phẩm “Ngày hè“.

Như một họa sĩ nhận xét: “Khi xem tranh mình cảm nhận được sự chân thật của người vẽ, tự mình đã thấy nó đẹp”. Điều mà Phương vẽ cũng được chưng cất từ chính đời sống của cô như lời bộc bạch: “… những sớm tinh mơ, xuống thăm vườn nhà, sương giăng nhè nhẹ. Khẽ len qua tán cây để sương đọng không làm ướt áo. Chỉ là kiếm tìm những mầm cây mới nhú… Mùi hương cay nồng miếng trầu, thoang thoảng hoa bưởi trước sân.”

Hay sau này khi cô lớn lên, ra trường, lập gia đình, một thời gian dài gắn bó với những việc thường ngày của phụ nữ như may vá, chăm con… Ta hiểu vì sao cành hoa, khóm lá, chùm quả, búp bê, hộp kim chỉ, vải vóc, gà con, chim sẻ, chú mèo… luôn hiện diện trong tranh; hình ảnh hai cô con gái nhỏ và cả họa sĩ thấp thoáng ở đó với những yêu thương, trìu mến, ân cần.

“Ngang qua ngày cũ” không chỉ là bất chợt hay tình cờ ngang qua. Đó là cách họa sĩ tìm về, nhặt lấy, lọc lấy chút “hạnh phúc giản đơn”, “mong chờ bé nhỏ”; nhớ những điều muốn nhớ, hoài niệm về miền ấm áp, bình yên ngày cũ đọng lại trong cô, bằng ngôn ngữ tạo hình.

Tác phẩm “Bịt mắt bắt dê“.
Tác phẩm “Bịt mắt bắt dê“.

Trước khi vẽ những bức tranh êm đềm, trong sáng như này, Phương từng vẽ các bức lụa mang nặng nội tâm, ám ảnh về sự tổn thương, mất mát. Nhưng đời sống tiếp diễn với những bình yên nhỏ bé đã mang đến luồng sinh khí mới cho những bức tranh. Những xao động êm đềm đủ sức lôi cuốn lòng người nhiều khi lại là niềm mơ ước của bất cứ ai, nhất là những người từng trải qua quãng thời gian bất an, lo lắng trong tuổi thơ mình.

Đối diện với khó khăn của cuộc sống, khi lớn lên, có người sẽ dữ dội hơn, có người sẽ lặng lẽ hơn. Họa sĩ cũng thế, có thể vẽ những bức tranh rất gai góc, cũng có thể vẽ những bức rất trữ tình; để làm dịu chính mình, cân bằng cuộc sống của mình. Suy cho cùng, nghệ thuật bước ra từ thế giới nội tâm như vậy trước tiên là để chữa lành, đó là một liệu pháp. Nuôi dưỡng tâm hồn bằng những điều tốt đẹp tức là chuyển hóa năng lượng, mang đến sự tích cực cho chính mình và cho cả người xem.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hà Phương sinh năm 1985, quê quán Quảng Ninh

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2010.

Cô hiện sống và làm việc ở Hà Nội.

Triển lãm “Ngang qua ngày cũ” trưng bày từ 27.7 – 2.8.2024, tại Art Space 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn: Laodong.vn