Trong một thế giới ngày càng phát triển và hiện đại, di sản văn hóa trở thành một trong những tài nguyên quý giá nhất mà mỗi quốc gia sở hữu. Đặc biệt, ở Việt Nam, nơi có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, việc trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự đầu tư cho trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam càng được chú trọng, nhất là sự tham gia ngày càng tích cực của người dân và các cộng đồng địa phương.
Thực trạng bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam
Di sản văn hóa bao gồm tất cả những giá trị vật chất và phi vật chất mà một dân tộc đã tích lũy qua nhiều thế hệ. Từ những di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc cho đến các phong tục, tập quán, ngôn ngữ và tri thức truyền thống, tất cả đều góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Di sản văn hóa không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển kinh tế, du lịch và giáo dục.
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn Di sản văn hóa. Sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, công nghiệp hóa đã dẫn đến việc nhiều di sản bị xâm hại hoặc lãng quên. Nhiều công trình kiến trúc cổ đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho những tòa nhà hiện đại, các công xưởng sản xuất, trong khi các lễ hội truyền thống ngày càng bị mai một do sự thay đổi lối sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, cũng có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc bảo tồn Di sản văn hóa. Chính phủ và các tổ chức xã hội đã có nhiều chương trình, dự án nhằm trùng tu các di tích lịch sử, khôi phục các lễ hội truyền thống và bảo tồn các nghề thủ công truyền thống. Điển hình là việc khai quật, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ở Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An… Những công trình này không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trùng tu Di sản văn hóa không chỉ đơn thuần là việc sửa chữa, bảo trì các công trình kiến trúc mà còn là một nghệ thuật đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và kỹ thuật. Mỗi công trình đều mang trong mình những câu chuyện, những ký ức của một thời kỳ nào đó trong lịch sử. Do đó, việc trùng tu cần phải được thực hiện một cách cẩn thận, tôn trọng nguyên trạng và giá trị lịch sử của công trình. Một ví dụ điển hình là việc trùng tu chùa Một Cột ở Hà Nội. Đây là một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử. Dù cho bị hủy hoại trong chiến tranh chống Pháp, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và giá trị văn hóa đặc sắc. Công tác trùng tu không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra cơ hội để người dân và du khách tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước.
Trong một thời gian ngắn, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nghiên cứu phục hồi, trùng tu tôn tạo được khoảng 150 công trình, hạng mục di tích, tiêu biểu như dự án khôi phục Điện Kiến Trung, trùng tu Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành (Đại Nội); Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, điện Ôn Khiêm (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định); chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của Kinh Thành Huế, hạ tầng khu vực Kinh Thành, Hoàng Thành, sông Ngự Hà…
Bảo tồn di sản văn hóa hướng đến phát triển bền vững
Việc bảo tồn di sản không chỉ đơn thuần là việc giữ nguyên mà còn đòi hỏi khai thác và phát huy các giá trị của nó. Hiện nay, nhiều địa phương sở hữu những di sản vô cùng quý báu và tiềm năng, tuy nhiên, do vẫn còn giữ tư duy cũ kỹ và không năng động trong việc đổi mới, nên nhiều lúc chúng ta chỉ sống trên di sản mà không thể khai thác được giá trị thực sự của chúng. Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng về mất mát và hư hại nên chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ và cất giữ di sản, thậm chí là cho vào kho kín và cách ly với đời sống xã hội. Tuy nhiên, để thực sự tôn vinh và phát huy giá trị của di sản, chúng ta cần có những biện pháp linh hoạt và sáng tạo hơn, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm di sản một cách chân thực nhất.
Việc bảo tồn Di sản văn hóa không chỉ mang lại lợi ích về mặt văn hóa mà còn có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và xã hội. Di sản văn hóa có thể trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho ngành du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Những địa điểm di sản như: Phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long… không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là nơi để người dân địa phương có thể phát triển kinh tế thông qua các dịch vụ du lịch. Hơn nữa, bảo tồn Di sản văn hóa còn giúp tạo ra một môi trường sống bền vững, nơi mà giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng gắn kết, mạnh mẽ và tự hào về bản sắc văn hóa của mình, góp phần huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản của cha ông.
Việc trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển kinh tế mạnh mẽ, chúng ta cần nhận thức rõ ràng, Di sản văn hóa không chỉ là tài sản của riêng một thế hệ mà là tài sản chung của toàn xã hội, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Cùng nhau chung tay bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu, để Di sản văn hóa Việt Nam mãi mãi tỏa sáng trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc và hướng tới một tương lai phát triển, phồn thịnh và bền vững.
Nguồn: Laodong.vn