Thắp lửa, thổi hồn tinh hoa vào gốm Phù Lãng

Những người con của làng gốm Phù Lãng, những người đam mê gốm trên khắp cả nước và cả những nghệ nhân gốm Nhật Bản đang cùng chung tay thắp lửa, giữ lửa truyền thống và thổi hồn tinh hoa vào gốm thủ công nung củi ở làng nghề nổi danh Kinh Bắc có lịch sử gần 700 năm này.

Thắp lửa, thổi hồn tinh hoa vào gốm Phù Lãng
Sản phẩm của các học viên.

Nhỏ mà chất

Làng nghề gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016, nổi danh với các sản phẩm gốm men da lươn có kích cỡ lớn như chum vại, bình gốm, lư hương, đỉnh, đài thờ… Tuy nhiên, thu nhập của thợ gốm Phù Lãng còn thấp trong các khu vực làm gốm phía Bắc. Ngoài ra, đây đó ở Phù Lãng cũng như ở các khu vực lân cận, ngành sản xuất gốm đang được công nghiệp hóa, việc sử dụng lò gas đang thay thế sản xuất gốm truyền thống bằng lò nung bằng củi. Điều này khiến nghề làm gốm thủ công truyền thống đối mặt nguy cơ dần mai một và biến mất trong tương lai không xa.

Mặt khác, mặc dù lượng khách du lịch đến thăm làng gốm tăng lên, nhưng số lượng sản phẩm độc đáo làm quà lưu niệm với chất lượng cao và giá thành tốt vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, các sản phẩm và dịch vụ dành cho giới thượng lưu có giá trị và chất lượng cao là một xu hướng tất yếu tại thị trường Việt Nam.

Nắm bắt được thực tế này, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác phát triển của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Onimaru Setsuzan Kamamoto và Làng Toho của Nhật Bản đã phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Phù Lãng và Ủy ban Nhân dân huyện Quế Võ thực hiện dự án phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 8.2021.

Ông Tsuchimoto Amane, đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, các nghệ nhân tại xã Phù Lãng đã nắm bắt được những kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống kết hợp với hiện đại theo phong cách Nhật Bản, cải thiện thu nhập, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Một khu nhà xưởng sản xuất chung với lò nung gốm theo mô hình truyền thống của Nhật Bản đã ra đời tại làng gốm Phù Lãng. 80 học viên nghệ nhân gốm từ xã Phù Lãng và các địa phương khác trên khắp Việt Nam đã được chọn để đào tạo tại làng nghề. 14 nghệ nhân đã được bình chọn xuất sắc trong số 80 học viên này.

Trong 3 năm qua, những sản phẩm gốm sứ tinh tế có kích thước nhỏ hướng tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế ra đời ngày càng nhiều, vừa tiết kiệm được nguyên liệu đất sét, củi nung, vừa có giá thành cao, đem lại thu nhập tốt hơn cho những người làm nghề.

Lọ hoa độc bản của Hoàng Thủy.
Lọ hoa độc bản của Hoàng Thủy.

Sống với đam mê nghề gốm

Đôi vợ chồng Bùi Văn Huân và Trương Thị Hồng Thương là hai trong số những nghệ sĩ gốm 9X sớm thành danh của làng gốm Phù Lãng. Là người con của Phù Lãng, tình yêu gốm đã lớn lên cùng Huân theo những năm tháng tuổi thơ. Huân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành gốm. Từ đó đến nay, Huân tiếp tục gắn bó với gốm và tạo ra cho mình một thương hiệu riêng là Gốm Huân.

Huân có thể nói về gốm cả ngày không chán, anh luôn mong muốn sáng tạo thật nhiều sản phẩm đẹp mang dấu ấn tinh hoa Việt để thỏa mãn đam mê của mình và lan tỏa tình yêu gốm thủ công, gốm Việt độc bản đến tất cả mọi người. Huân đi theo truyền thống, làm gốm thủ công nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và phải chạm vào cảm xúc để mang đến giá trị tinh thần cao nhất.

“Khi nhìn vào một sản phẩm thủ công, tôi có thể cảm nhận được cảm xúc của người thợ – họ đang vội vã, nóng tính hay thong thả. Do vậy, tôi luôn đưa thêm những câu chuyện vào từng hình dáng, đường nét, họa tiết của sản phẩm, bởi bất kỳ dấu vết nào trên tác phẩm thô mộc cũng mang ý nghĩa riêng. Và những yếu tố đẩy cao giá trị của sản phẩm thủ công – là cảm xúc, kỹ thuật, sự sáng tạo” – Huân chia sẻ.

Huân và Thương cũng là 2 học viên tham gia dự án của Nhật Bản. Đến với dự án, Huân được học thêm các kỹ thuật trong nghề từ những nghệ nhân Nhật Bản, từ đó có thêm những góc nhìn đa chiều, từ kỹ thuật cho đến những vẻ đẹp hoang sơ hay tinh xảo của những sản phẩm được tạo ra từ đất, từ tâm hồn của một người thợ gốm.

Còn với Thương, được các chuyên gia gốm nổi tiếng từ Nhật Bản giảng dạy đã giúp cô trưởng thành và học hỏi được nhiều kỹ thuật từ một đất nước phát triển mạnh về nghề gốm. Thương yêu thích sự giao thoa văn hóa về gốm giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, nhưng cô luôn chú trọng bản sắc riêng trong từng sản phẩm và hướng tới phát triển gốm theo phong cách đó.

Công việc làm gốm cho Huân và Thương được sống với đam mê và sống được với nghề. “Mình đang là người đi sau thế giới nhưng nếu tập trung tốt thì có thể trở thành người dẫn đầu về gốm thủ công trong tương lai. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra dấu ấn riêng cho làng nghề Phù Lãng cũng như dấu ấn cá nhân, để biến tài nguyên của đất nước trở thành những sản phẩm mà ai nhìn vào cũng biết là gốm Việt, và nhìn vào sản phẩm gốm Việt đó thì sẽ nhận ra chất men riêng của Phù Lãng và biết là gốm Huân” – Huân bày tỏ.

Còn với Hoàng Thủy, gốm như một cái duyên đến với cô đầy bất ngờ. Thủy quyết định dừng sự nghiệp thiết kế thời trang sau 12 năm gắn bó ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi tham gia dự án, Thủy được gặp gỡ, cảm nhận tâm huyết và tình yêu của các thầy Nhật Bản dành cho gốm, điều đó đã đánh thức tình yêu gốm mãnh liệt bên trong con người cô. Cảm nhận hạnh phúc bình dị với gốm, Thủy tìm thấy niềm vui, được là chính mình ở lĩnh vực mới. Thủy tin có thể sống được với nghề gốm. “Sẽ không quá sớm hay quá muộn để tôi dành những điều tốt đẹp cho bản thân, dành cho gốm, từng chút mỗi ngày” – Thủy bộc bạch.

Vợ chồng Thương - Huân bên các sản phẩm gốm tinh tế của mình.
Vợ chồng Thương – Huân bên các sản phẩm gốm tinh tế của mình.

Phù Lãng níu chân nghệ nhân Nhật

Môi trường tự nhiên phong phú, nguyên liệu làm gốm chất lượng cao, con người thân thiện là lý do chính khiến nghệ nhân gốm Nhật Bản – Yusuke Onimaru quyết định gắn bó với làng gốm Phù Lãng. Với nguồn vốn của JICA, ông Onimaru cùng các cộng sự đến Việt Nam giúp dân làng đa dạng hóa sản phẩm gốm và có thêm kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững thông qua dự án phát triển làng nghề gốm Phù Lãng.

Ông Onimaru sau khi tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Osaka đã ở lại trường làm giảng viên một thời gian rồi quay về quê kế nghiệp xưởng gốm của ông và bố. Sản phẩm nổi bật nhất của ông là cốc trà đạo, cung cấp cho các chùa nổi tiếng ở Nhật Bản, có cả sản phẩm dâng lên Thiên hoàng. Các sản phẩm của ông cũng đã đi nhiều nơi trên thế giới và được đánh giá cao vì dùng nguyên liệu tự nhiên.

Ông giải thích lựa chọn Phù Lãng là bởi nghề gồm ở đây còn nhiều yếu tố thủ công, không sử dụng máy móc, vẫn dùng lò củi để nung gốm. “Việt Nam có nhiều nơi tốt nhưng tôi chọn nơi tốt phù hợp” – ông nói.

Theo thầy Onimaru – như cách gọi trìu mến của các học viên – điều quan trọng nhất với Phù Lãng là trong tương lai vẻ đẹp tự nhiên, nét văn hóa vẫn phải được bảo tồn, vì nếu đánh mất sẽ không thể lấy lại được. Bên cạnh đó, làng gốm thủ công sẽ có lợi cho phát triển du lịch sau này. Ông kể, trên thế giới và ngay cả ở Nhật Bản, nghề gốm ngày càng được “máy móc hóa”, nhưng những sản phẩm thủ công, trong đó bao gồm cả những sản phẩm gốm Phù Lãng, vẫn được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng.

Làng Toho của ông Onimaru và làng Phù Lãng có nhiều nét tương đồng, đều là những làng nghề nhỏ, người dân gần gũi, nên ông đến Phù Lãng mà vẫn có cảm giác thân thuộc như ở nhà.

Điều mà nghệ nhân Onimaru đau đáu là giúp những làng nghề thủ công như Phù Lãng không thất truyền, mong muốn tạo dựng Phù Lãng thành trung tâm gốm lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn có tiếng trên thế giới.

Nguồn: Laodong.vn