Phát hiện bất ngờ khi khai quật tàu buôn thời nhà Tống

Việc khai quật tàu đắm ​​cổ của Trung Quốc hé lộ những hiểu biết sâu sắc về nạn buôn lậu thời nhà Tống.

Theo SCMP, hơn 1.000 năm trước, một con tàu buôn thời nhà Tống (960 – 1279) rời cảng Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc, chở theo một khối lượng lớn nguyên liệu thô đủ cho một quốc gia nhỏ.

Con tàu chưa đi được xa thì chìm xuống đáy đại dương gần bờ biển Thái Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi được phát hiện năm 1987.

Sau đó, con tàu trải qua dự án trục vớt toàn diện năm 2007 và dự án khai quật kéo dài 1 thập kỷ (từ năm 2013). Con tàu trở thành một trong những tư liệu quan trọng nhất để tìm hiểu về thương mại hàng hải thời nhà Tống.

Tiết lộ cốt lõi từ xác tàu đắm là con tàu chở một lượng lớn hàng hóa bằng kim loại, cho thấy con tàu có thể đã tham gia vào một vụ buôn lậu quy mô, một nhóm nhà khoa học từ Đại học Quảng Châu cho biết.

“Bất chấp lệnh cấm, nạn buôn lậu hàng kim loại vẫn tiếp diễn trong suốt thời nhà Tống, không hề có sự giảm bớt đáng kể nào về quy mô. Điều này làm nổi bật sự bất lực trong việc kiểm soát của triều đình với các hoạt động buôn lậu bất hợp pháp”, các nhà nghiên cứu lập luận.

c
Khi tàu bị chìm, công nghệ luyện kim của Trung Quốc đã sản xuất ra những kim loại chất lượng cao hơn hẳn so với ở Nam Á và Đông Nam Á. Ảnh: Khảo cổ học Hàng hải

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, pháp luật thời Tống nêu rất rõ về lệnh cấm xuất khẩu kim loại, với nhiều hình phạt nghiêm khắc. Họ tin rằng triều đình đã cố tình bỏ qua, thậm chí khuyến khích các hoạt động buôn lậu trên biển.

Khi con tàu bị chìm, kim loại và nguyên liệu thô trên tàu là những mặt hàng có giá trị với chất lượng hơn hẳn các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á và không được phép xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu thương nhân bị phát hiện vi phạm lệnh cấm, hàng hóa sẽ bị tịch thu và họ sẽ bị bỏ tù.

“Sắt là vật liệu thiết yếu cho vũ khí quân sự vào thời điểm đó và việc xuất khẩu sắt đã bị triều đình nhà Tống cấm. Do đó, 300kg bạc và 124 tấn sắt do tàu con tàu này chở chắc chắn là hàng lậu”, nhóm nghiên cứu viết.

Một số kim loại sắt được tìm thấy trên tàu. Ảnh: Khảo cổ học Hàng hải
Một số kim loại sắt được khai quật và tìm thấy trên tàu. Ảnh: Khảo cổ học Hàng hải

Tiền vàng, bạc và đồng cũng đặc biệt có giá trị vào thời đó. Nhà Tống ban hành luật không cho phép thương nhân mang quá 500 đồng tiền ra khỏi đất nước, vi phạm sẽ bị tử hình.

“Cho đến nay, người ta đã tìm thấy khoảng 30.000 đồng xu bằng đồng ở trong con tàu, đủ để tuyên án tử hình 30 người”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Lượng tiền xu được tìm thấy trên tàu cũng vượt quá cho phép.
Lượng tiền xu được tìm thấy trên tàu cũng vượt quá cho phép. Ảnh: Khảo cổ học Hàng hải

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng con tàu không có khả năng chở hàng cống nạp và không có dấu hiệu trốn tránh việc kiểm tra. Điều này cho thấy quan lại triều đình nhà Tống cho phép tàu tiếp tục hành trình dù biết con tàu chở hàng lậu.

Họ tin rằng lý do khiến con tàu này được phép buôn lậu mà không hề bị phạt có thể do nhà Tống theo đuổi chính sách tư nhân hóa ngành thương mại hàng hải để giảm bớt sự kiểm soát của bộ máy quan liêu đối với thương mại.

Kết quả nghiên cứu con tàu đã cung cấp những hiểu biết hiếm có về thương mại hàng hải quy mô lớn thời nhà Tống.

Nguồn: Laodong.vn