Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên (12.8) hướng đến mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề của thanh thiếu niên, thúc đẩy nhân quyền và sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh internet phổ biến rộng, các chuyên gia cho rằng nhà trường, gia đình, những cá nhân, tập thể cần có sự phối hợp mật thiết để có những biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời trong quá trình thanh thiếu niên trưởng thành.
Cơ hội và thách thức
Sự xuất hiện của mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram… phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của xã hội trong bối cảnh internet phủ sóng toàn cầu, trở thành công cụ hữu hiệu. Năm 2023, khảo sát của UNICEF cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 -15 là 93%. Trong khi đó, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ mỗi ngày.
Chị Vũ Thị Xuân (45 tuổi, Hà Nội) bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng khi hai con (một cháu lớp 8, một cháu lớp 2) nghỉ hè ở nhà và phụ thuộc vào các hình thức giải trí trên thiết bị di động, máy tính. Chị nói rằng không chỉ gia đình mình và nhiều phụ huynh có chung nỗi lo khi con tiếp cận với mạng lưới thông tin khổng lồ trên internet nhưng không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ từ người lớn, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Trường (40 tuổi, Hải Phòng) cũng lo ngại con trai học lớp 9 tiếp xúc với thiết bị điện tử từ nhỏ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Anh cho biết: “Con trai bước vào tuổi dậy thì, tâm tư thay đổi, tôi không còn tâm sự với con được như trước. Từ nhỏ, con hay xem YouTube, giờ có điện thoại riêng, sử dụng mạng xã hội hằng ngày. Bố mẹ bận rộn có thể không theo sát con, tôi lo con học theo thói hư tật xấu trên mạng, nhận thức không đúng đắn”.
Với khả năng kết nối mọi người, mọi lúc, mọi nơi, mạng xã hội trở thành mạng lưới thông tin khổng lồ, là nơi mà người dùng có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng hoặc không chủ động kiểm soát được thông tin, người dùng có thể bị cuốn vào những thông tin tiêu cực, sai lệch. Đặc biệt, thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động tiêu cực này.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ hiện nay vừa tạo cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức trong quá trình giáo dục trẻ, kiểm soát các thông tin mà trẻ tiếp cận hằng ngày.
“Tuy nhiên, không chỉ vì những thách thức mà ta không khai thác lợi ích của nó. Nhà trường cần định hướng, hướng dẫn và nâng cao nhận thức của các em về sử dụng môi trường số. Qua đó, các em sẽ có các kỹ năng khai thác môi trường số để phục vụ cho học tập, phát triển bản thân, thích ứng với xu thế mới.
Với gia đình, việc giáo dục các em khó hơn bởi thực tế có nhiều phụ huynh chưa biết sử dụng công nghệ, mạng xã hội một cách hiệu quả. Thậm chí, chính bố mẹ lại là người sa đà, chưa có ý thức tiếp cận internet một cách chủ động, chịu tác động xấu từ môi trường mạng. Từ đó, việc định hướng cho con em sẽ gặp khó khăn” – ông Lê Huy Hoàng cho biết.
Hình thành nền tảng đạo đức và nhận thức
Mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong việc hình thành nhân cách, định hướng hành vi cho thanh thiếu niên là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh internet phổ biến rộng, học sinh, trẻ vị thành niên tiếp cận những thông tin độc hại nhưng chưa có kỹ năng, chưa có nhận thức tốt để phân biệt các thông tin sẽ để lại hệ lụy khôn lường.
Nhà trường cần giáo dục, xây dựng những phẩm chất cho học sinh như yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ và trách nhiệm. Từ đó, các em sẽ có nền tảng đạo đức, có ý thức thượng tôn pháp luật. Về phía gia đình, phụ huynh cần theo dõi sát sao, trao đổi với con cái về tính đúng sai, những điều thất thiệt, những quan điểm không phù hợp với thuần phong mỹ tục mà con có thể phải đối mặt.
Chia sẻ với Lao Động, ThS Lê Đình Quyết – Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Cố vấn cấp cao Công ty Luật LVI Law Firm – khẳng định việc tuyên truyền, giáo dục từ sớm giúp người dưới 18 tuổi có nhận thức về các hành vi ứng xử, từ đó biết cách xử lý khi đối diện với những tình huống pháp lý, biết cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Ông Lê Đình Quyết nhận định, có thể thấy thanh thiếu niên có tính cách đa chiều, tò mò và năng động nhưng cũng là đối tượng dễ bị lôi kéo, dễ tổn thương. Do đó, môi trường xung quanh tổng hòa từ nhiều yếu tố cả tiêu cực và tích cực có khả năng tác động đến nhận thức và hành vi của trẻ. Việc người lớn khó kiểm soát những nội dung mà con trẻ tiếp cận hằng ngày có thể khiến các em thiếu định hướng, từ đó hình thành những thói quen xấu và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Chuyên gia cho rằng, nhà trường, gia đình, những cá nhân, tập thể gắn bó, gần gũi với thanh thiếu niên cũng cần có sự phối hợp mật thiết để có những biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời trong quá trình thanh thiếu niên trưởng thành.
* Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn vào ngày 12.8 hằng năm, bắt đầu từ năm 1999 nhằm thúc đẩy nhân quyền và sự phát triển nhân loại, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
Sau 25 năm, vai trò, tiếng nói của thanh thiếu niên ngày càng được coi trọng và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, thanh thiếu niên hiện đang chiếm số đông trong dân số cả nước, đây chính là lực lượng giúp Việt Nam ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Điều đó cho thấy, hơn bao giờ hết, thanh thiếu niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
* PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhấn mạnh, thanh thiếu niên là tương lai của dân tộc. Chăm sóc cho thanh thiếu niên cũng là chăm sóc cho tương lai tươi sáng của đất nước.
Tuy nhiên, một vấn đề mà thanh niên hiện nay phải đối mặt, gặp phải đó là những vấn đề như bạo lực mạng, ảnh hưởng của thông tin xấu độc tới thanh thiếu niên. Thậm chí, tội phạm là thanh thiếu niên thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý… ngày càng báo động.
“Chúng ta rất đau lòng trước những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên. Văn hóa cần phải ở vị trí tiên phong, tạo ra hệ điều tiết đạo đức để khắc phục tình trạng này” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sức đề kháng cho thanh thiếu niên. Trong môi trường đó, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội cần truyền tải nhiều hơn nữa những thông điệp về giá trị, lối sống đẹp và tấm gương đạo đức, lên án những hành vi không lành mạnh, phản đối lối sống phản cảm, không phù hợp; Các đoàn thanh niên, đội thiếu niên cần tổ chức các phong trào, hoạt động hấp dẫn, phù hợp để lôi cuốn sự tham gia của thanh thiếu niên…. VƯƠNG TRẦN
Nguồn: Laodong.vn