Áo dài Huế ghi danh di sản, niềm vui và cơ hội kép

Việc Bộ VHTTDL ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một tin vui mang đến cơ hội kép.

Áo dài Huế ghi danh di sản, niềm vui và cơ hội kép
Áo dài Huế đang đứng trước cơ hội phát triển thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo. Ảnh: Phan Thanh Hải

Cơ hội đầu tiên là áo dài Huế đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc tiến gần hơn tới danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo lộ trình, sau khi được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, “Tri thức may và mặc áo dài Huế” sẽ tiếp tục được Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là một lộ trình và mục tiêu có tính khả thi rất cao.

“Bởi tri thức may và mặc áo dài Huế là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân Huế, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay. Di sản này rất xứng đáng được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,” TS. Phan Thanh Hải nói.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện vẫn còn khá xa.

Lợi ích thứ hai của việc ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” có thể nhìn thấy trong tương lai gần chính là cơ sở và bàn đạp để Huế phát triển áo dài thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo.

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc Huế.

Các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống và du lịch văn hóa, là những ngành trọng tâm. Áo dài – sự kết hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa, nên đặc biệt được xem trọng.

“Áo dài Huế” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa chuộng. Đó là lý do lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì xây dựng đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”. Đề án này đang được triển khai mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng các tầng lớp nhân dân.

Là một trung tâm du lịch lớn của đất nước với hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, Huế không thể không công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du khách.

“Năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 4,9 triệu lượt khách. Nếu chỉ tính con số khiêm tốn khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài, thì Huế đã bán được 490.000 bộ áo dài. Với giá trung bình mỗi bộ áo dài là 1 triệu đồng, doanh thu có thể đạt 490 tỷ đồng. Hiện Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự, thì doanh thu từ công nghiệp áo dài có thể đạt trung bình mỗi năm là 700 tỉ đồng,” TS. Phan Thanh Hải lạc quan.

Việc áo dài Huế được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là một thành tựu đáng tự hào mà còn mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch tại Huế.

Đây là cơ hội để Huế khẳng định vị thế của mình trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Nguồn: Laodong.vn