Di tích Quốc gia mộ và nhà thờ chí sĩ Trịnh Khắc Lập

Khu di tích mộ và nhà thờ chí sĩ yêu nước Trịnh Khắc Lập được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1998, Quyết định số 252/QĐ-BT.

Di tích Quốc gia mộ và nhà thờ chí sĩ Trịnh Khắc Lập

Ngày nay, khu di tích ở gần khu du lịch biển xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây du khách có thể tham quan các điểm di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bật Lãng, Nguyễn Xí.

Thủ lĩnh phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ

Chí sĩ Trịnh Khắc Lập (còn gọi là Trịnh Hiền) sinh năm 1870, tại làng Đông Hội, xã Phan Xá (nay là Xuân Thành) huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Năm 1891, ở tuổi 21 chí sĩ Trịnh Khắc Lập theo cha lên vùng núi rừng Vụ Quang, huyện Hương Khê, tự nguyện gia nhập lực lượng nghĩa quân Cần Vương, đứng dưới ngọn cờ Cần vương của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng cứu nước chống giặc Pháp xâm lược. Khởi nghĩa Hương Khê thất bại, Trịnh Khắc Lập về quê ẩn mình.

Năm 30 tuổi, ông đi thi Hương trường Nghệ An, đỗ tam trường (tú tài). Ở Trường Thi (nay thuộc thành phố Vinh) Nghệ An, ông quen biết nhiều chí sĩ yêu nước: Phan Bội Châu, Nguyễn Hàng Chi, Nguyễn Hiệt Chi, Lê Văn Huân, Nguyễn Mai. Sử sách ghi: “Năm 21 tuổi, ông theo cha lên Vụ Quang, gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng. Năm 30 tuổi ông thi đỗ tam trường. Thời kỳ này ông quen với nhiều nhà khoa bảng có tư tưởng chống thực dân Pháp.

Năm 1904, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu gia nhập Hội Duy Tân với mục đích “Đánh đuổi thực dân Pháp, lập nên một chính phủ độc lập” nhưng ông lại ngả theo hướng “bạo động”. (Nghi Xuân – Di tích và danh thắng tr. 275).

Trịnh Khắc Lập từ một người yêu nước, trở thành một lãnh tụ chỉ huy phát động phong trào dân nghèo Nghi Xuân vùng dậy đấu tranh, hưởng ứng phong trào chống sưu thuế Trung kỳ, đưa yêu sách xóa bỏ thuế thân. Năm 1908, phong trào chống sưu thuế khởi đầu từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau đó nhanh chóng truyền ra Hà Tĩnh.

Chí sĩ Trịnh Khắc Lập cùng với Nguyễn Hàng Chi ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc (Lộc Hà) lập tổ chức yêu nước, phát động đấu tranh kêu gọi nông dân đẩy mạnh phong trào “kháng sưu thuế” hà khắc của thực dân phong kiến đặt ra. Sách “Nghi Xuân di tích và danh thắng” ghi nhận việc ông làm trong bài viết “Mộ và nhà thờ Trịnh Khắc Lập: “Ông viết truyền đơn kêu gọi nhân dân Hà Tĩnh đứng lên chống sưu thuế hà khắc, trong đó có câu: “Cùng ngồi mà chờ chết sao bằng vùng dậy mà tìm sự sống…”. Lời kêu gọi được nông dân các huyện hưởng ứng. Họ kéo lên huyện đường nêu yêu sách và đã thu được những kết quả nhất định” (tr. 276).

Theo kế hoạch, ngày 28.5 năm Mậu Thân (26.6.1908), làm ngày hội quân của nông dân 8 huyện, dự định kéo vào tỉnh đường Hà Tĩnh đòi bỏ thuế thân, nếu thuận lợi sẽ đánh chiếm tỉnh lỵ. Nhưng kế hoạch bị bại lộ, cuộc biểu tình có tính chất bạo động chỉ diễn ra một vài địa phương, trong đó có Can Lộc, Nghi Xuân.

Tại huyện Nghi Xuân bấy giờ, hơn ngàn nông dân do chí sĩ Trịnh Khắc Lập làm thủ lĩnh, cầm giáo mác, gậy gộc… kéo về huyện đường. Quan huyện Lê Trần Thụy cùng tùy tùng trở tay không kịp bị bắt và tịch thu ấn tín, vũ khí. Đoàn biểu tình áp giải quan huyện, đưa vào tỉnh lỵ. Khi đến xã Đậu Liêu, huyện Can Lộc (nay là phường Đậu Liêu thị xã Hồng Lĩnh) đoàn biểu tình gặp một toán lính ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh kéo ra đàn áp, Trịnh Khắc Lập bị thương rồi bị bắt. Ngày 20.5 Mậu Thân (18.6.1908), triều đình nhà Nguyễn tay sai thực dân Pháp đưa chí sĩ yêu nước về huyện Nghi Xuân chém rồi bêu đầu tại cây đa ở chợ Giang Đình suốt 3 ngày.

Về sự kiện này, sách “Lịch sử huyện Đảng bộ Nghi Xuân” (1930 – 1945) viết: “Tháng 7 năm 1908, hàng ngàn nông dân dưới sự chỉ huy của ông Trịnh Khắc Lập, người làng Đông Hội (Xuân Thành) kéo lên huyện chống sưu thuế, đập phá huyện đường và bắt tên tri huyện Lê Trần Thụy trói lại đưa vào tỉnh. Khi đoàn biểu tình đi đến Cồn Đống (Can Lộc) thì gặp tên quan binh Pháp Ba – bút đem quân ra đàn áp, bắt Trịnh Khắc Lập đem về chém ở chợ Đình, bêu đầu 3 ngày thị uy. Sau đó một số nông dân tham gia phong trào chống thuế cũng bị bắt giam, phong trào bị dập tắt” (lịch sử Đảng bộ Nghi Xuân tr. 20 – 21).

Dân lập nhà thờ tri ân chí sĩ Trịnh Khắc Lập

Khi chí sĩ Trịnh Khắc Lập bị chém ở chợ Giang Đình, giặc Pháp và tay sai bêu đầu ông treo trên cành đa trước cổng chợ. Thương tiếc người chí sĩ yêu nước, quả cảm vì sự no ấm của nhân dân mà phải chết khi mới 38 tuổi, tuổi đời còn rất trẻ. Nhân dân thôn Đông Hội đã bí mật giành lại thi thể của ông đem về an táng và lập nhà thờ tri ân chí sĩ Trịnh Khắc Lập.

Tránh sự trả thù của chính quyền thực dân phong kiến tộc Trịnh đã lập bàn thờ để thờ ông trong nhà thờ tổ họ Trịnh dưới 3 chữ “Trung Nghĩa Đường”. Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân làng Đông Hội công khai thờ phụng tưởng nhớ chí sĩ Trịnh Khắc Lập. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi, nhân dân xã Xuân Thành đã cắt phần đất cạnh ngôi đền Tân Trù ở làng Đông Hội để cải táng phần mộ của chí sĩ Trịnh Khắc Lập. Chính quyền huyện Nghi Xuân đầu tư, cấp tiền mua vật tư xây dựng nhà thờ để thờ ông. Thông qua việc thờ cúng nhằm giáo dục lòng yêu nước, đức dám xả thân vì ấm no, hạnh phúc của đồng bào. Khu di tích lăng mộ và nhà thờ chí sĩ Trịnh Khắc Lập được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia, ngày 2-3-1998, theo Quyết định số 253/ QĐ/BT.

Mộ ông được xây cạnh nhà thờ, có tường bao, có bia lớn đề dòng chữ: “Nhà yêu nước – chí sĩ Trịnh Khắc Lập 1870 – 1908”. Phía nam mộ là nhà thờ, có kiến trúc 3 gian. Bờ nóc nhà thờ có đặt lưỡng long chầu nhật. Gian giữa dùng lập bàn thờ Trịnh Khắc Lập. Trên hương án có long ngai, bài vị, phía sau có bức đại tự “Trung nghĩa đường” và đôi câu đối của Hội Duy Tân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm, gửi phúng viếng hồi tổ chức lễ truy điệu ông, nhân dân thương tiếc có viếng câu đối rằng: “Nhân sử giai tiên, tuy sưu thuế vi kim nhật chi đại vấn đề, hổ tước long thôn yết dục hạ nhi bất dụng hạ / Cổ sở vi liệt sĩ, tri thiết huyết vi hậu lai chi lương kiết quả, đường kinh oa nộ, đầu khả tồn diệc bất tất tồn”. Dịch nghĩa: “Ai cũng như tiên sinh, dầu sưu thuế là vấn đề to lớn ngày nay, cọp nuốt rồng nhai, cổ muốn xuống cũng không thể xuống / Xưa thì gọi là liệt sĩ, biết máu sắt là kết quả tốt đẹp mà mai sau, chấu kinh ếch giận, đầu có còn cũng không cần còn”.

Cột quyết tại gian thờ có treo câu đối: “Nhiệt huyết trung kiên hùng tâm lẫm liệt chương kim sử/ Tinh hoa nghĩa khí tráng phong huy hoàng hiển bích lâu. Bên trong cột hiên nhà thờ có 2 câu đối: Tinh thần tại nhân tâm anh linh thiên cổ / Thể phách tồn thiên địa hiển hách tứ thời”. Dịch nghĩa: Tinh thần ở lòng người thiêng liêng nghìn năm/ Thân, hồn còn trời đất hiển hách bốn mùa. Câu thứ 2: “Dân dã suy truyền bia miệng công ơn bao kể xiết/ Người xưa tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn ghi”. Phía trước nhà thờ là sân gạch có tường bao thấp. Tắc môn đắp nổi hình sư tử đặt chân lên quả địa cầu. Hai bên cổng đặt tượng 2 con hổ vằn. Nối với tường mặt tiền có 2 cột hoa biểu có đắp nổi hình rồng. Đỉnh cột có đôi nghê chầu. Câu đối đề tại cột hoa biểu có câu đối: “Sử nước ghi tên người chí sĩ/ Lòng dân tạc tượng vị anh hùng”. Trang trí phù điêu 2 bên tường, nghệ nhân đắp nổi đôi ngựa chiến có mái che, tạo ra sự uy nghi, trang trọng, uy nghiêm cho quần thể khu di tích mộ và nhà thờ chí sĩ yêu nước Trịnh Khắc Lập.

Cây đa chợ Giang Đình nay vẫn được lưu giữ ở tổ dân phố Giang Thủy, trên đường Tả Ao, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Cây đa có tuổi thọ trên hàng trăm năm, sừng sững bên bờ sông Lam. Cây có chiều cao khoảng 15m, chu vi 3,1m, thân chính có đường kính 70cm. Từ năm giặc Pháp chém chí sĩ Trịnh Khắc Lập ở chợ Giang Đình và bêu đầu trên cành đa, tính đến nay đã 116 năm. Vào ngày Tết, ngày tuần, người dân thường đến gốc đa thắp hương tưởng niệm tri ân người yêu nước, đấu tranh đòi xóa bỏ sưu thuế hà khắc.

Nguồn: Laodong.vn