Tạp chí nghệ thuật đương đại Goddessarts bản in và online của Đức với mong muốn kết nối các nghệ sĩ trên thế giới với nhau, chia sẻ tác phẩm với công chúng, tập trung vào nghệ thuật đầy màu sắc, vui vẻ, tràn đầy năng lượng và đầy sức mạnh đã có bài phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn, phóng viên Báo Lao Động về con đường – hành trình nghệ thuật của anh.
Bài phỏng vấn khá dài với 9 câu hỏi, dưới đây chỉ xin trích đăng một phần.
Hãy cho chúng tôi biết điều gì đó về lý lịch và hành trình nghệ thuật của bạn cho đến nay.
– Tôi xuất thân trong một gia đình trí thức Hà Nội. Cha tôi là nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ, từng nhận được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, mẹ tôi là PGS.TS. Lê Thị Đức Hạnh, cán bộ nghiên cứu lão thành của Viện Văn học. Anh trai Trần Văn Việt của tôi là giáo viên và cũng là một người mê chụp ảnh.
Có thể nói, tôi được đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật từ rất sớm khi hồi học phổ thông, đã được bố dẫn đi xem sân khấu kịch ở nhiều nhà hát. Sau này, anh trai là người dạy tôi những bước đi khởi đầu về nhiếp ảnh. Còn nhớ những buổi tối hai anh em hì hụi phóng ảnh đen trắng bằng chiếc máy phóng Kupa cũ của Nga. Cảm giác khi nhúng tờ giấy ảnh vào khay thuốc, hình ảnh lờ mờ dần dần hiện ra… thật thú vị.
Năm 1993, khi tôi thi vào làm phóng viên Báo Hoa Học Trò, tôi đã thi cả ảnh và viết và trúng tuyển để rồi năm 1996 đến nay, tôi làm phóng viên Báo Lao Động, một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam.
Năm 2000, khi tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc 5 năm/ lần do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức, tôi đoạt giải Ba với bức ảnh “Niềm tin chiến thắng” – chụp em bé quấn khăn cờ đỏ sao vàng, tay đặt lên ngực trái – vị trí của trái tim – và cùng năm đó, đoạt giải Xuất sắc ACCU (Nhật Bản – giải ảnh châu Á – Thái Bình Dương) với bức ảnh “Chia sẻ một niềm tin tôn giáo” chụp một cô gái Úc vai trần đang chắp tay thành kính lễ Phật ở chùa cổ Kim Liên, phía trước là một bà lão Việt Nam trong bộ quần áo nâu sồng cũng đang lễ Phật… Đó chính là những dấu mốc nho nhỏ đầu tiên khởi đầu cho một hành trình mới của tôi.
Sau đó, tôi có thêm nhiều động lực, để cho đến nay đã xuất bản 8 cuốn sách, 10 triển lãm cá nhân và hơn 100 giải thưởng quốc tế có giá trị.
Một số dấu mốc tôi còn nhớ: Đó là năm 2018 khi tôi là tác giả Việt Nam duy nhất được lựa chọn tham dự vào trại sáng tác nghệ thuật ở Vermont (Mỹ) sau khi gửi bộ ảnh về chủ đề Phật giáo. Ở Vermont, tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc và nghe hàng chục nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ của nhiều quốc gia trình bày tác phẩm và quan điểm nghệ thuật của mình.
Là năm 2015 khi bộ ảnh “Tướng trận thời bình” của tôi vào chung kết cuộc thi “Sáng tạo quốc tế London” và được trình chiếu giới thiệu tại nhà hát nổi tiếng Soho (London, Anh) là mấy năm trước đó nữa, khi bức ảnh “Ký ức tình yêu” được giải tại cuộc thi ảnh đương đại “Art of Photogtaphy Show” của Mỹ và nhận được email từ ban tổ chức nói rằng, bạn nên tự hào và ghi vào CV của mình là ảnh của bạn được chấm bởi giám tuyển 2 bảo tàng lớn ở Mỹ.
Là khi 3 ảnh của tôi được chọn cho triển lãm nhóm “Câu chuyện của sáng tạo” do See.Me (Mỹ) tổ chức chiếu trên màn hình tại Bảo tàng Louvre (Pháp)… Và đặc biệt năm 2017, là triển lãm cá nhân của tôi tại Liên hoan nhiếp ảnh Photometria (Hy Lạp) với bộ ảnh “Mẹ tôi”.
Bạn có thể cho chúng tôi biết thêm về chủ đề trong tác phẩm và nguồn cảm hứng của bạn không?
– Quan niệm về nhiếp ảnh của tôi là bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh đẹp bằng các phương tiện kỹ thuật số như máy tính bảng, điện thoại thông minh… Sức mạnh của nhiếp ảnh không phải là tạo ra một bức ảnh đẹp mà là một bức ảnh kể được nhiều câu chuyện. Hình ảnh đó có thể gớm ghiếc, thô ráp và xấu xí nhưng cũng đủ để kết nối, gợi lên cảm xúc của người xem, tạo nên những cuộc đối thoại nội tâm. Vì thế, tôi không bó buộc vào một hình thức diễn đạt cụ thể nào mà tùy vào câu chuyện để tìm ra cách kể phù hợp với mọi phương pháp. Tôi thích thực hiện những dự án tài liệu và nghệ thuật dài hơi như: “Đạo và Đời”, “Tướng trận thời bình”, “Tồn tại hay không tồn tại”, “Đứt đoạn và kết nối”, “Mẹ tôi”…
Với một nghệ sĩ thì việc luôn tìm được cảm hứng sáng tạo là điều quan trọng nhất, và đáng sợ nhất là sự bất lực trong sáng tạo. Có những lúc, tôi không thể nghĩ ra điều gì mới dù làm đủ mọi cách và khi đó cảm giác chán chính bản thân, thậm chí đáng sợ hơn là rơi vào sự trống rỗng, không buồn, không vui… Bất ngờ một ý tưởng tự nhiên lóe lên trong đầu bạn ở một hoàn cảnh chẳng có liên quan gì đến nghệ thuật, như khi bạn trò chuyện với một doanh nhân hay một ai đó làm công việc khác biệt. Đó chính là điều kỳ diệu của cuộc sống.
Đời sống nghệ thuật của bạn tác động như thế nào đến những phần khác trong cuộc sống của bạn?
– Nghệ thuật làm cho tôi yêu cuộc sống, trân trọng những khoảnh khắc trong cuộc sống hơn. Mỗi cú bấm máy là lưu lại cái vừa chụp xong, nay đã là quá khứ và cú bấm máy tiếp theo là chú trọng vào phút giây hiện tại.
Nhiếp ảnh chính là nơi tôi cất lên được tiếng nói của chính mình, được là chính mình nhất. Trong cuộc sống, được là chính mình – đó là điều quan trọng nhất. Bởi được là chính mình chính là tự do. Nhưng thường không ai đạt tới chữ tự do tuyệt đối mà luôn phải nương theo hoàn cảnh và điều đó làm chúng ta đượm buồn. Sống phải để lại một giá trị nào đó trên đời và tôi nhớ lời của Mẹ Teresa: “Nếu không thể làm được những việc lớn thì hãy làm việc nhỏ với một tình yêu lớn”.
Bạn có thể chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bạn gặp phải trong cuộc sống và cách thức bạn quản lý/ vượt qua chúng không?
– Khó khăn là làm sao cân bằng được giữa công việc của một nhà báo và công việc của một nghệ sĩ. Nhiều khi chất báo chí lấn át con người nghệ sĩ mà áp lực với nhà báo thì ngày càng nặng nề nhất là thời buổi cạnh tranh thông tin ngày nay. Tôi luôn cảm thấy thiếu thời gian dành cho nghệ thuật. Vượt qua chúng đôi khi chỉ là bản năng dẫn dắt, cuốn mình đi, để sau này nhìn lại cũng không biết tại sao mình có thể làm được một khối lượng công việc như thế.
Hãy kể cho chúng tôi về trải nghiệm tuyệt vời nhất của bạn trong thế giới nghệ thuật cho đến nay.
– Năm 2006 khi tôi làm triển lãm ảnh cá nhân lần thứ hai “Đạo và Đời” tại Hà Nội (Thủ đô của Việt Nam), với 99 bức ảnh về cuộc sống của các nhà sư. Lần đầu tiên, tôi đã đưa yếu tố đương đại vào triển lãm ảnh. Các tác phẩm trong các bộ ảnh được đính lên vải nâu và vàng – màu y phục nhà sư cùng lá bồ đề, riêng bộ cuối cùng được dán lên mô hình bảo tháp làm bằng gỗ và vải. Và trong triển lãm có bày hoa sen, bật kinh Bát nhã… tất cả tạo cảm giác cho khách xem triển lãm được bước chân vào một không gian chùa chiền mang đậm màu sắc Phật giáo.
Triển lãm đã thu hút gần 70 nhà sư và nhiều khách quý, văn nghệ sĩ đến thưởng lãm, các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ vì đây là triển lãm đầu tiên ở Việt Nam thể hiện cuộc sống của các nhà tu hành. Thành công của triển lãm là cơ sở để tôi xuất bản cuốn sách ảnh “Đạo và Đời” do EU tài trợ.
Bạn có thể đưa ra lời khuyên thiết thực nào cho các nghệ sĩ đồng nghiệp?
– Với một nghệ sĩ thì sáng tạo tác phẩm mới luôn ám ảnh hay nói cách khác là luôn phải vượt qua chính mình như câu nói nổi tiếng của danh họa Picasso: Bắt chước người khác còn có thể tha thứ được, còn lặp lại chính mình là điều đáng hổ thẹn nhất!
Nghệ sĩ phải luôn bắt đầu lại từ đầu với một niềm đam mê “rồ dại” và bỏ lại mọi thành công phía sau. Như tôi đặc biệt thán phục huyền thoại Steve Jobs (Mỹ) vì ông luôn bỏ lại “legacy” (di sản) phía sau để bắt đầu những cái mới.
Hãy chụp ảnh bằng trái tim, niềm đam mê của mình và đừng bị ảnh hưởng bởi những xu hướng dẫn dắt trên mạng xã hội.
Nguồn: Laodong.vn