Muôn vàn xúc cảm trong tác phẩm Nga kể về câu chuyện tình đẹp bậc nhất thế giới

“Giamilia – truyện núi đồi và thảo nguyên” của nhà văn Chingiz Aitmatov là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng, sống cùng năm tháng của văn học Nga.

Chingiz Aitmatov sinh năm 1928 tại làng Seker, tỉnh Talasskaya, Kirgizia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Ông là một trong những cây bút huyền thoại của văn học Xô viết.

Tác phẩm của Chingiz Aitmatov được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong đó, cuốn “Giamilia – truyện núi đồi và thảo nguyên” giúp ông trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới.

Tác phẩm xoay quanh những câu chuyện về con người, núi đồi thảo nguyên của đất nước Kyrgystan. Những con người nơi làng mạc mộc mạc, giản dị, tâm hồn, tình cảm trong sáng, những mối tình xúc động tâm can quyện với những núi đồi thảo nguyên bát ngát vẽ nên những bức tranh tổng hòa đặc sắc, bức tranh của tâm hồn.

Đặc biệt, truyện được kể qua góc nhìn của anh rể Giamilia, người chứng kiến tình yêu của Giamilia và Daniyar ở ngôi làng thảo nguyên hùng vĩ.

Louis Aragon, nhà thơ Pháp nổi tiếng cũng đã dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp từ năm 1959, với lời chú trên bìa: “Câu chuyện tình yêu đẹp nhất thế giới”.

Với giọng văn mượt mà, những trang viết đẹp như thơ, tiểu thuyết là sự lồng ghép những người nông dân chân chất, những núi đồi, thảo nguyên thành những câu chuyện giàu cảm xúc.

Giamilia tìm thấy lòng trắc ẩn, tình yêu sâu sắc đằng sau vẻ ngoài lầm lì, lạnh lùng của của Daniyar. Cô biết rằng, anh yêu cô cũng đơn giản như cô yêu anh. Họ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng trong tình yêu.

Đoạn kết, nàng Giamilia đã lên xe ngựa với một người đàn ông ra đi tới một chân trời mới, rời xa nơi làng nghèo hẻo lánh.

Trang đánh giá sách HoDB bình luận: “Xinh đẹp. Đó là từ có thể miêu tả về Giamilia – câu chuyện tình yêu bình lặng nhất mà tôi từng đọc. Rất yên bình và lãng mạn nhưng cũng rất nhẹ nhàng.

Tôi thích cách câu chuyện được kể lại bởi Seit, anh rể của Giamilia. Người kể chuyện là một nghệ sĩ, một họa sĩ, và điều này được thể hiện rõ trong những mô tả của anh ta về phong cảnh Kyrgyzstan. Cảm giác bình yên mà cuốn sách này truyền tải trở thành bối cảnh cho câu chuyện tình yêu giữa Daniyar và Giamilia”.

Nhà văn Chingiz Aitmatov qua đời năm 2008. Ảnh: Daily Sabah

Giamilia là một trong những nhân vật nữ được Aitmatov xây dựng rất đẹp, có tâm hồn mạnh mẽ, tính cách khảng khái.

Bởi lẽ, không chỉ Giamilia, các nhân vật nữ chính trong tác phẩm của ông luôn đẹp đến nao lòng. Đó là Asel tươi trẻ lãng mạn trong “Cây phong non trùm khăn đỏ”, hay bà Tolgonai dù mất những đứa con trai trong chiến tranh nhưng vẫn bảo toàn vẹn tròn vẻ lộng lẫy của tâm hồn trong “Cánh đồng mẹ”…

Tình yêu trong tiểu thuyết của Aitmatov cũng không chỉ đơn giản là sự lãng mạn giữa nam và nữ. Tình yêu qua góc nhìn của ông có vô số khía cạnh – từ tình yêu giữa hai người trẻ, tình cảm trong gia đình, tình yêu quê hương đến tình yêu nghệ thuật và sự khao khát thể hiện bản thân.

Aitmatov quan niệm: “Không có tình yêu thì không thể có tương lai của con người. Tình yêu là cơ sở của cuộc sống. Không có tình yêu thì sẽ không thể có những dục vọng gắn liền với nó. Và cuộc sống con người sẽ trở nên trống rỗng”.

Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng rất được yêu mến ở Việt Nam như “Giamilia”, “Người thầy đầu tiên”, “Cây phong non trùm khăn đỏ” “Con tàu trắng”, và đặc biệt là “Và một ngày dài hơn thế kỷ”…

Nguồn: Laodong.vn