Cách quản trị truyền thông bằng triết lý chính trực, nhân văn

“Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” của tác giả Lê Quốc Vinh – một trong những cuốn sách hiếm hoi về quản trị khủng hoảng – chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Cách quản trị truyền thông bằng triết lý chính trực, nhân văn

Đây là cuốn sách thực chiến, được tích lũy qua hàng loạt những dự án quản trị khủng hoảng đã thực hiện trong hàng chục năm qua, nhưng đúc kết thành những nguyên lý mang tính căn bản, giúp người đọc định hình lại bản chất của khủng hoảng và cách đối xử với những tình huống leo thang nguy hiểm nhằm tránh những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, tổ chức và cả cá nhân.

“Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” là cuốn sách đầu tay của nhà báo Lê Quốc Vinh. Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, tác giả đã trực tiếp đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng.

Thông qua 3 phần nội dung, cuốn sách mở ra một loạt các phương pháp quản trị khủng hoảng, nhấn mạnh vào 3 yếu tố chính: Giải quyết sự cố triệt để, kiểm soát thông tin một cách khách quan và hành động nhân văn.

Phần 1 – Cốt lõi của khủng hoảng; Phần 2 – Phòng ngừa khủng hoảng; Phần 3 – Tác chiến trong khủng hoảng.

Nói về dự án sách đã ấp ủ suốt 2 năm, nhà báo Lê Quốc Vinh cho biết: “Chúng ta vẫn quen với thuật ngữ “khủng hoảng truyền thông” nhưng với tôi, nếu hiểu khủng hoảng chỉ ở trên các phương tiện truyền thông thôi thì sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm.

Sách về

Rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần gỡ bỏ hoặc khỏa lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng đã xử lý xong. Nhưng không phải thế, những hành vi hoặc thái độ gây nên khủng hoảng vẫn nằm đâu đó trong trí não công chúng, thậm chí lan truyền như cơn sóng ngầm, phá nát uy tín doanh nghiệp. Ngoài ra, cách xử lý khủng hoảng sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về sau, tiêu hủy niềm tin từ công chúng, cộng đồng”.

Theo tác giả Lê Quốc Vinh, những phương pháp xử lý khủng hoảng bằng cách ngăn chặn thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo chí và truyền thông, không những không mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp, mà còn chứa đựng nhiều hệ lụy dài lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và cả niềm tin của công chúng.

Nguyên nhân cơ bản của sai lầm này đến từ nhận thức sai lệch về PR – quan hệ công chúng. Cách hiểu phiến diện về vai trò của PR khiến nhiều người nghĩ đơn giản rằng, xử lý khủng hoảng nghĩa là chỉ cần không xuất hiện thông tin tiêu cực về thương hiệu trên báo chí, truyền thông là đủ.

Với sự phát triển của truyền thông số và những mạng xã hội quyền lực, những kênh truyền thông mới, những ứng dụng OTT len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, nếu vấn đề không được giải quyết tận gốc, đó có thể là mầm mống của một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Về vai trò của người làm truyền thông, tác giả Lê Quốc Vinh nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để có cái nhìn đa chiều và khách quan.

Bất kể sự chậm trễ, thiên kiến hay lừa dối nào từ người xử lý khủng hoảng cũng có khả năng khiến khủng hoảng tồi tệ hơn, nạn nhân không chỉ là công chúng mà còn chính doanh nghiệp đó.

Nguồn: Laodong.vn