“Nguồn sáng trong đời” tôn vinh một bậc thầy ánh sáng

Cầm trong tay cuốn sách dày dặn của đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Nguyễn Lê Văn mang tên “Nguồn sáng trong đời”, tôi rất cảm động vì đây là tấm lòng của một người con trai với cha mình – nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy, một tên tuổi lớn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

“Nguồn sáng trong đời” tôn vinh một bậc thầy ánh sáng

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923 – 2007) là một bậc đại thụ trong nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam với những bộ phim kinh điển ông quay như “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Chị Dậu”, “Đến hẹn lại lên”… được ghi nhận xứng đáng bằng Giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II (1973) và thứ III (1975). Và đặc biệt, ông là người được giao trọng trách ghi lại những hình ảnh sớm nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông còn nhớ như in những lời dạy của Bác “Cái máy quay phim chỉ là cục sắt vô tri, vô giác. Cái đầu của chú là chính, nghề của chú phải luôn nhanh nhạy, chỉ cần một tích tắc là cảnh vật đã biến đổi. Quay phim và chụp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, mỗi bước trong quá trình thể hiện là một bước về phía ánh sáng”.

Một chân dung của NSND Nguyễn Đăng Bảy đã được vẽ lên, soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau, qua cái nhìn gần gũi, thân thuộc thậm chí riêng tư từ người thân trong gia đình đến các bạn bè, văn nghệ sĩ tên tuổi và cả những người rất đỗi bình thường. Tất cả đều có điểm chung là yêu mến, tôn trọng, cảm phục một nhà quay phim tài năng, cống hiến hết mình cho nghệ thuật mà khiêm nhường, giản dị.

“Tôi và những nhà quay phim, những nhà điện ảnh thế hệ chúng tôi không phải là những tín đồ bị lệ thuộc. Chúng tôi đã tìm thấy nguồn ánh sáng trong đời của mình, đi theo Cách mạng với một niềm tin lớn, mỗi chúng tôi là một tia sáng và khi hợp lại trở thành nguồn sáng. Điện ảnh Việt Nam là một nguồn sáng vô tận. Mỗi một người đều tự tỏa sáng trong niềm tin ấy” (NSND Nguyễn Đăng Bảy).

NSƯT Nguyễn Lê Văn và cuốn sách. Ảnh: Việt Văn

Cuốn sách như một cuốn phim tài liệu chầm chậm kể về cuộc đời của NSND Nguyễn Đăng Bảy từ khi ông thoát ly khỏi làng quê nghèo Phù Lưu (Bắc Ninh) lên chiến khu Việt Bắc, đến những chặng đường kháng chiến chống Pháp, từ nhiệm vụ tuyên truyền vẽ tranh, chụp ảnh cho đến khi được giao chiếc máy quay phim – chiến lợi phẩm ta thu được ở mặt trận Đông Khê, từ những thước phim tài liệu đầu tiên đến bộ phim truyện đầu tay…

Trong đó, “Con chim vành khuyên” giành giải Vàng trong Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc – cũ), Nguyễn Đăng Bảy được giải về hình ảnh quay phim xuất sắc nhất như là sự khởi đầu rực rỡ cho tài năng của ông.

30 năm sau, trong cuốn tự truyện của đạo diễn Nguyễn Văn Thông có lời đề tặng ông: “Ngày ấy không có anh Nguyễn Đăng Bảy, “Con chim vành khuyên” không thể thành công như vậy”.

Trong cuốn sách có những góc nhìn khác nhau từ sự quan sát, thẩm thấu của người bên ngoài cho đến cả những trải nghiệm, tâm sự mang tính cá nhân về những cảnh quay khó của chính người trong cuộc – NSND Nguyễn Đăng Bảy.

“Cách tạo hình của cụ Nguyễn Đăng Bảy ẩn chứa cái hồn của người Việt. Đến bây giờ, có xem đi xem lại những thước phim cụ làm, tôi vẫn luôn luôn rung động” (NSƯT Trần Trọng Văn). “Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” rất hợp với Nguyễn Đăng Bảy, những cảnh đẹp nhất trong phim là do anh Bảy quay, nhất là phim đen trắng thì anh Bảy là số một… Những khuôn hình của anh Bảy có một cái gì lung linh, rất xao động, rất nghệ sĩ, rất nghệ thuật. Nó là bẩm sinh từ trong máu của người quay phim. Đó là một bậc tiền bối mà tôi rất kính trọng” (NSND Đặng Nhật Minh).

“Cái mạnh nhất của anh Bảy là một người cầm máy, một nghệ sĩ tạo hình làm việc bằng sự xúc động, bằng cảm xúc của mình, diễn tả cuộc sống bằng nghệ thuật không lời” (NSƯT Trần Trung Nhàn).

“Tôi luôn nhớ tới câu nói của ông (Nguyễn Đăng Bảy): Mỗi nhà quay phim phải là một nhà thơ” (diễn viên, NSND Thế Anh)…

Còn NSND Nguyễn Đăng Bảy khi còn sống từng bộc bạch những kỷ niệm về Bác trong đó có hình ảnh Bác đọc sách bên cửa sổ nhà sàn sau này được sử dụng trong các bộ phim “79 mùa Xuân” và “Người là Hồ Chí Minh”. Bác ngồi ung dung với dáng mạo của một ông tiên bên khung cửa sổ, nơi “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, bộ râu trắng của Bác rung rung trong gió, Bác vừa đọc sách vừa vuốt ve một chú mèo nằm bên. Phong thái hiền triết ung dung, tự tại của một bậc thánh nhân.

Là một nhà quay phim tài hoa được thừa hưởng gen di truyền từ cha mình, nên NSƯT Nguyễn Lê Văn cũng dành một dung lượng đáng kể với hơn 35 trang “Cơ sở lý luận về nghệ thuật tạo hình quay phim” đề cập đến nhiều yếu tố về bố cục, ánh sáng, màu sắc… với nhiều bài học tham khảo bổ ích về nghệ thuật quay phim cho cả người mới nhập môn cũng như dân làm nghề chuyên nghiệp, từ cơ sở lý luận chung đến kinh nghiệm thực chiến của NSND Nguyễn Đăng Bảy. Ở ông có sự bẩm sinh của tài năng thiên phú kết hợp với việc luôn tìm tòi sáng tạo trong lao động để tạo nên những góc máy, động tác máy vừa giản dị, vừa hiện đại và giàu chất thơ.

Nguyễn Lê Văn cũng bộc lộ thêm về sự đa tài của cha mình, không chỉ nổi tiếng ở các lĩnh vực nhiếp ảnh, quay phim mà còn ở hội họa với nhiều tác phẩm tranh sơn khắc. “Cha tôi vào đời bằng việc học hội họa và cuối đời ông lại trở về với hội họa… Những bức tranh ưa thích của ông thường có đề tài về nông thôn với hình ảnh người phụ nữ phảng phất nét đẹp xưa cũ của những cô gái vùng quê Kinh Bắc cũng như có cả bóng dáng của mẹ tôi, người phụ nữ âm thầm, tận tụy bên ông, sinh cho ông năm người con, chia sẻ với ông mọi vui buồn, no đói đến cuối cuộc đời”.

“Nguồn sáng trong đời” còn mang giá trị tư liệu lịch sử khi đăng một số hình ảnh đen trắng giàu chất thơ, giàu tính thẩm mỹ, chụp Bác ở chiến khu Việt Bắc – ATK của NSND Nguyễn Đăng Bảy và một số hình ảnh về ông, về bạn bè ông…

Cuốn sách đã khắc họa chân dung của một nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Nguồn: Laodong.vn