Tối 29.6, hai chương trình thực tế về âm nhạc là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đã cùng lên sóng, có màn đối đầu trực diện.
Tối 29.6, “Anh trai say hi” lên sóng tập 3 trong khi đó “Anh trai vượt ngàn chông gai” lên sóng tập 1.
Cả hai chương trình đều phát trên kênh YouTube sau 30 phút so với Đài truyền hình. Và trong thời gian phát sóng trên YouTube, số lượt xem hai chương trình có sự chênh lệch nhau khá lớn.
“Anh trai say hi” có lượt xem trực tiếp là hơn 200 nghìn người, “Anh trai vượt ngàn chông gai” là hơn 20 nghìn người. Như vậy, “Anh trai say hi” gấp gần 10 lần lượt xem so với “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên YouTube.
Con số này khiến nhiều người vội vàng kết luận chương trình nào hấp dẫn hơn, chương trình nào kém thu hút hơn. Từ đó, khán giả của hai chương trình đã có màn tranh cãi kịch liệt trên các diễn đàn.
Số đông khán giả cho rằng, con số lượt xem trên YouTube không phải là thước đó đánh giá chất lượng chương trình.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” được chiếu trên sóng giờ vàng Đài truyền hình quốc gia VTV3. Với tâm lý mong chờ chương trình, nên khán giả sẽ có lựa chọn xem trên tivi nhiều hơn vì thời gian chiếu trước 30 phút trên YouTube.
“Anh trai say hi” chiếu trên đài HTV2 và chiếu lại trên YouTube sau 30 phút. Theo đó, kênh HTV2 được cho là khó có thể cạnh tranh rating với VTV3.
Từ các yếu tố trên, có thể nhận thấy “Anh trai say hi” có lượt xem trên YouTube cao hơn “Anh trai vượt ngàn chông gai” là điều dễ hiểu.
Không chỉ từ việc phân phối kênh phát sóng mà đối tượng khán giả xem chương trình cũng khác nhau hoàn toàn.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” có sự tham gia của các nghệ sĩ nam đã thành danh và hoạt động giải trí lâu năm. Các “anh tài” không chỉ là ca sĩ, họ còn là danh thủ, võ sĩ, nhà sản xuất…
Kịch bản của “Anh trai vượt ngàn chông gai” đề cao tính chuyên môn nhiều hơn tính giải trí so với “Anh trai say hi”.
Ngược lại, “Anh trai say hi” có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Họ đến với sân chơi này để truyền thông về mặt hình ảnh, đánh bóng tên tuổi nên sự cạnh tranh cao hơn.
Ngoài những bình luận tranh cãi, nhiều khán giả bày tỏ quan điểm trung lập trên các diễn đàn:
“Anh trai vượt ngàn chông gai dành cho khán giả U30 – U40 xem và nghe vì nhạc cũ, còn Anh trai say hi thì để lớp trẻ bây giờ xem, nghe nhạc mới. 2 tiêu chí khác nhau”, “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi nhân tố tham gia chương trình đã khác nhau hoàn toàn”, “Chúng ta nên ủng hộ 2 chương trình và xem với tâm thế giải trí thay vì dùng lời lẽ toxic (độc hại)”…
Nhiều nghệ sĩ cũng lên tiếng thể hiện quan điểm của bản thân khi hai chương trình lên sóng. Trong đó, chia sẻ của ca sĩ Hakoota Dũng Hà nhận được sự ủng hộ.
Anh viết: “Một bên là “Anh trai” – Một bên là “Anh chú trai”. Khác biệt thế hệ nhưng vẫn cống hiến vì chung đam mê. Cớ sao bên ngoài so sánh hơn thua”.
Theo Hakoota Dũng Hà, các “anh tài” đa phần đã định hình được thương hiệu cá nhân và màu sắc riêng cũng như trải nghiệm, kinh nghiệm về nghề. Các “anh trai” là thanh niên “mới lớn” đương nhiên cạnh tranh nhiều hơn để xây dựng thương hiệu cá nhân trong lòng khán giả.
Nguồn: Laodong.vn