“Anh hùng” – bộ phim điện ảnh của Trương Nghệ Mưu lấy cảm hứng từ câu chuyện Kinh Kha mưu sát Tần Thủy Hoàng đã gây tranh cãi trong thời gian dài sau khi phim lập thành tích “khủng” ở phòng vé.
Cuộc đời Tần Thủy Hoàng là đề tài bất tận của phim ảnh
Hiện, bộ phim tài liệu “Bí ẩn của những chiến binh đất nung” có sức hút đặc biệt khi ra mắt trên nền tảng Netflix. Những giai thoại, những câu chuyện trong cuộc đời nhiều bí ẩn của vị hoàng đế đầu tiên thời đế quốc phong kiến tập quyền Trung Hoa – Tần Thủy Hoàng được khán giả rầm rộ tìm đọc lại.
Cuộc đời của Tần Thủy Hoàng luôn là đề tài bất tận của phim ảnh Hoa ngữ, đã có hàng trăm bộ phim thuộc nhiều thể loại được sản xuất xoay quanh cuộc đời và những bí ẩn về vua Tần.
Trong đó, “Anh hùng” – tác phẩm của Trương Nghệ Mưu từng gây bão năm 2002. “Anh hùng” có doanh thu 177 triệu USD, là tác phẩm võ hiệp có doanh thu lịch sử ở thời điểm đó.
Phim quy tụ dàn diễn viên danh tiếng bậc nhất của màn ảnh Hoa ngữ là Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Chân Tử Đan, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Trần Đạo Minh…
Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện Kinh Kha mưu sát Tần Thủy Hoàng.
Vụ việc của Kinh Kha được chép lại ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên. Theo đó, để có cơ hội tiếp cận Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha đã mang theo đầu của một tướng Tần bị thất sủng là Phàn Ư Kỳ và bản đồ nước Yên vào triều đình nước Tần.
Tuy nhiên, cuộc mưu sát thất bại, Kinh Kha bị quân Tần giết chết.
“Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu xây dựng nhân vật kiếm sĩ nước Triệu tên Vô Danh (Lý Liên Kiệt) tìm cách tiếp cận Tần Thủy Hoàng bằng cách giết chết 3 cao thủ đang bị vua Tần truy lùng là Trường Thiên (Chân Tử Đan), Tàn Kiếm (Lương Triều Vỹ) và Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc).
Khi được diện kiến Tần Thủy Hoàng, Vô Danh đã vẽ ra câu chuyện anh lần lượt hạ gục 3 cao thủ ra sao.
Thế nhưng, chuyện của Vô Danh không qua mặt được Tần Thủy Hoàng. Vua Tần được xây dựng là nhân vật mưu lược hơn người đã đoán ra bản chất câu chuyện, rằng phía sau sự dàn dựng này, là cú bắt tay của 4 cao thủ võ lâm đệ nhất thiên hạ, chỉ nhằm một mục đích giúp Vô Danh tiếp cận Tần Thủy Hoàng ở cự ly gần để thích sát.
Cuối cùng, khi kế hoạch bị bại lộ, Vô Danh nói với Tần Thủy Hoàng, “bệ hạ đã đánh giá thấp một người, đó là Tàn Kiếm”.
Kế hoạch này thất bại, bởi Tàn Kiếm đã tìm mọi cách ngăn cản. Khi Vô Danh một mực đòi vào cung diện kiến vua Tần, Tàn Kiếm đã viết trước mặt Vô Danh hai chữ “Thiên Hạ” để ngăn cản.
Tàn Kiếm cho rằng, không nên mưu sát Tần Thủy Hoàng – bởi đó là người duy nhất có thể thống nhất được thiên hạ, thu giang sơn về một mối, chấm dứt chiến tranh đau thương kéo dài giữa 7 nước.
So với nỗi đau của thiên hạ, nỗi đau của một cá nhân sẽ chẳng là gì. Tàn Kiếm mong Phi Tuyết và Vô Danh có thể gạt bỏ thù riêng, không thích sát Tần Thủy Hoàng để thiên hạ được thái bình, yên ổn.
Khi nghe Vô Danh kể đến đây, Tần Thủy Hoàng nước mắt nhòa lệ. Tần Thủy Hoàng nói, một đời ngồi trên ngai vàng đã quá cô độc, không ai thấu hiểu, ai nấy đều cho rằng Tần Thủy Hoàng là bạo chúa, không ngờ – người hiểu Tần Thủy Hoàng nhất lại là kẻ thù ông cho truy sát bấy lâu.
Tranh cãi
“Anh hùng” kết thúc khi Vô Danh bị quân Tần giết hại, Phi Tuyết tự vẫn, Tàn Kiếm chết dưới kiếm của người con gái mình yêu… Tần Thủy Hoàng cho mai táng Vô Danh như một anh hùng.
Bộ phim dựng lên những anh hùng thời đại đầy tài năng, xuất chúng hơn người, nhưng “anh hùng của các anh hùng”, người thu phục được tất cả các anh hùng khác dưới quyền lực và tầm nhìn của mình – chính là Tần Thủy Hoàng.
Khi ra mắt, bộ phim gây tranh cãi trong dư luận, khi nhiều ý kiến cho rằng, phim đã tô hồng cho cuộc đời, sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng, đã bao biện cho những cuộc tàn sát dã man mà Tần Thủy Hoàng từng thực hiện để củng cố quyền lực.
Trong lịch sử ghi chép, Tần Thủy Hoàng thực thi nhiều đạo luật khắc nghiệt. Sau chiến tranh, Tần Thủy Hoàng tiến hành nhiều đại dự án, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc đặt nền móng cho Vạn lý trường thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi đội quân đất nung…
Những công trình khổng lồ này đã phải trả bằng cái giá đắt là xương thịt của biết bao nhiêu dân thường, là sự lao dịch kiệt cùng, khiến muôn dân oán hận.
Để dập tắt những ý kiến trái chiều và áp đặt tư tưởng theo trường phái Pháp gia, Tần Thủy Hoàng đã cho đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống nhiều học giả.
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho” trong đó ghi vua Tần cho đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả.
Tần Thủy Hoàng trị vì 37 năm, qua đời vì bệnh vào năm 210 TCN ở tuổi 49. Sau khi ông qua đời, nhà Tần sớm diệt vong chỉ 3 năm sau đó.
Nguồn: Laodong.vn