Chiêu trò đằng sau những chương trình truyền hình thực tế

Đằng sau những show truyền hình đình đám là góc khuất, khi nhà sản xuất sẵn sàng sử dụng chiêu trò, dàn dựng “drama” để thu hút, xoay hướng dư luận.

Chiêu trò của chương trình giải trí

Sau dịch COVID-19, show truyền hình thực tế bùng nổ, từ các cuộc thi tài năng đến những cuộc thi hấp dẫn.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng của các chương trình truyền hình là thực tế phức tạp, những cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Ở Hàn Quốc, với sự bùng nổ của nội dung giải trí, không ít chương trình truyền hình vướng tranh cãi vì những “drama” được dàn xếp để thu hút người xem, những kịch bản giật gân và lợi dụng danh tiếng người tham gia để “câu view”.

Kênh Mnet bị gán với thuật ngữ “evil edit” – cắt ghép sai lệch tạo tranh cãi. Đội ngũ biên tập của các show sống còn như “Produce 101”, “Street Woman Fighter” từng bị chỉ trích khi dàn dựng ác ý, khiến thí sinh trở thành người xấu xa, ích kỉ trong mắt công chúng.

Vì vậy, nhiều thực tập sinh, vũ công, nghệ sĩ đối mặt với làn sóng chỉ trích vì một phát ngôn không đầu đuôi, bị thay đổi bối cảnh. Cuối cùng, người hưởng lợi chính là nhà sản xuất.

Ở các mùa “Produce 101”, vẫn xảy ra tình trạng các thực tập sinh có danh tiếng tốt liên tục nằm trong top đầu nhưng bị loại phút cuối. Những bê bối gian lận được điều tra khiến show sống còn này sụp đổ, ảnh hưởng đến các nhóm nhạc đã ra mắt.

Tờ Korea Herald chỉ ra nhiều chương trình thực tế mời những nhân vật có câu chuyện đặc sắc, khai thác chuyện đời tư rồi gắn những tiêu đề giật gân.

Không ít ngôi sao hết thời sẵn sàng nhắc lại những bê bối, đụng chạm vấn đề nhạy cảm để được chú ý trên sóng truyền hình.

Theo Korea Times, khi ngành công nghiệp giải trí phát triển, người nổi tiếng sử dụng các chương trình giải trí như một công cụ quảng cáo.

Ở Trung Quốc, loạt ngôi sao đình đám từng bị lợi dụng tên tuổi để “tăng nhiệt” cho chương trình.

Triệu Lệ Dĩnh từng tố show “Nhà hàng Trung Hoa” có hành vi cắt nối cảnh quay ác ý, tạo ra những cảnh quay sai sự thật.

Phía nữ diễn viên cho rằng tổ biên tập đã cắt hết các cảnh cô chăm chỉ làm việc, quan tâm tới đồng nghiệp, biến cô thành người ham ăn lười làm, hay than vãn khóc lóc và có EQ thấp. Từ đó, Triệu Lệ Dĩnh nhận nhiều lời chê trách trên mạng xã hội.

“Produce 101” lạm dụng những kịch bản gây sốc, bị chỉ trích khâu biên tập, cắt dựng. Ảnh: KoreaBoo

Chương trình truyền hình thực tế Việt cũng gắn liền tranh cãi

Những năm gần đây, showbiz Việt cũng chứng kiến những chương trình giải trí bùng nổ truyền thông, được khán giả quan tâm.

Dù vậy, những chương trình giải trí luôn đi liền tranh cãi.

Năm 2023, không thiếu những chương trình vướng ồn ào, như “Người mẫu toàn năng” xoáy vào màn đối đầu căng thẳng của Hương Giang – Hồ Ngọc Hà, “The Face” liên tục tạo drama giữa 4 huấn luyện viên…

Không chỉ “phóng đại” những cái nhíu mày, liếc xéo, biểu cảm thách thức của nhân vật, phần phỏng vấn riêng cũng được chèn vào sau mỗi lời nói của huấn luyện viên để tăng thêm kịch tính.

Từ đó, Hương Giang, Dược sĩ Tiến, Kỳ Duyên nhận nhiều chỉ trích vì khán giả cho rằng họ “chiếm sóng”, thích gây chú ý.

Ở mảng chương trình ca nhạc, Rap Việt cũng bị phản ứng vì “thêm thắt” các yếu tố gây tranh cãi để thu hút khán giả. Màn trình diễn của rapper Dubbie vẫn lên sóng dù đề cập đến nhân vật lịch sử một cách nhạy cảm.

Hay “Vietnam Idol” cũng gây xôn xao, mất điểm vì mời Jack làm ca sĩ khách mời, trong khi nam ca sĩ này có đời tư tai tiếng.

Ngoài ra, các chương trình thi tài năng cũng vướng nghi vấn dàn xếp kết quả, thậm chí để lộ kết quả chung cuộc.

Kết quả rò rỉ trước cuộc đua nước rút dễ thu hút được sự chú ý và tranh luận từ khán giả, dư luận. Các tập sau đó lên sóng được đón xem nhiều hơn, bởi khán giả có thể so sánh kết quả thực và kết quả rò rỉ.

Rap Việt từng vướng vào “chiêu bài” lộ kết quả ở cả hai mùa đầu tiên. Năm 2023, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” có hiệu ứng bùng nổ ở chặng cuối. Do được ghi hình trước, danh sách 7 nghệ sĩ lọt vào nhóm nhạc thành đoàn cũng bị rò rỉ.

Mới đây, trước thềm livestage 2, chương trình “Anh trai say hi” cũng liên tục vướng nghi vấn rò rỉ danh sách người bị loại, do các nghệ sĩ đều có ê-kíp riêng, chưa kể ban tổ chức, khán giả ở trường quay…

Việc bị lộ thông tin của chương trình truyền hình thực tế là điều tối kỵ. Vì vậy, khán giả vẫn đặt dấu hỏi về khả năng bảo mật của nhà sản xuất, hay những “tính toán”, nước cờ truyền thông đằng sau hàng loạt vụ lộ kết quả phút chót.

Ngoài tranh cãi quanh kết quả còn là ồn ào, mâu thuẫn giữa dàn thí sinh, cộng thêm những câu chuyện kịch tính, tăng tính “drama” đã mang lại sức hút cho các chương trình thực tế.

Nguồn: Laodong.vn