Cái chết tức tưởi của Nguyễn Văn Thành do nghi án về “bài thơ tạo phản” là một trong hai vụ án nổi tiếng nhất triều Nguyễn được sử sách Việt ghi lại.
Vua Gia Long (1762 -1820) tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Ông là người có công sáng lập triều Nguyễn, thống nhất giang sơn về một mối sau gần 300 năm chia cắt bởi cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn.
Dưới trướng vua Gia Long, Nguyễn Văn Thành là một trong những công thần góp sức lớn giúp Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, cuộc đời của ông kết thúc bằng một vụ án oan chấn động triều Nguyễn, đặt ra nhiều câu hỏi đến tận sau này.
Nguyễn Văn Thành (1758 – 1817) quê gốc ở xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng. Tuy nhiên, qua nhiều lần đổi chỗ ở, cha con ông đã sớm vào Gia Định sinh sống.
Sách “Đại Nam liệt truyện” (biên soạn: Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 2006) viết: “Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ”.
Ông đi theo Nguyễn Ánh từ khi chuẩn bị khởi binh đánh Tây Sơn, chịu bao đắng cay giúp Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế. Năm 1802, sau khi bình định Bắc Hà, Gia Long phong Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, ban cho sắc ấn trong ngoài 11 trấn, có thẩm quyền truất nhắc quan lại, xử lý việc án.
Năm 1810, ông về kinh giữ chức Trung quân, rồi trở thành Tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ.
Kỳ án của Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ được cho là mang tư tưởng phản nghịch của con trai trưởng Nguyễn Văn Thuyên – cũng là con rể của vua Gia Long. Vốn là người yêu thích văn chương, Nguyễn Văn Thuyên thường làm thơ, ngâm thơ với những kẻ sĩ. Một hôm, ông làm thơ tặng bạn bè ở Thanh Hóa.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2012) chép bài thơ: “Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt/ Dành để chiếu bên ta muốn chờ/ Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn/ Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc/ Thơm nghìn dặm lan trong hang tối/ Vang chín chằm phượng hót gò cao/ Phen này nếu gặp Tể (tướng) trong núi/ Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.
Rất nhanh, bài thơ đến tai vua Gia Long và nhiều vị quan lại trong triều. Những người không ưa Nguyễn Văn Thành cho rằng 2 câu cuối của bài thơ do con ông viết mang ý phản loạn, muốn truất ngôi vua.
Ban đầu, vua Gia Long cho là: “Thuyên còn trẻ, ưa lối thơ ngông nghênh, chưa đủ căn cứ để kết án”.
Tuy nhiên, một số quan lại vẫn tỏ ra không hài lòng, đem thơ ra dọa Nguyễn Văn Thành. Ông liền bắt chính con mình và những người liên quan, giao cho các quan dinh Quảng Đức điều tra.
Ai ngờ sau mấy ngày đêm bị tra tấn, Văn Thuyên đã thú nhận là có mưu phản. Thế là các triều thần thi nhau tố cáo Văn Thành, xin nhà vua nghiêm trị.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” ghi, Nguyễn Văn Thành đã bị tước hết ấn, về ở nhà riêng chờ xử lý. Vua Gia Long bảo với triều thần: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Lật ngôi vua ư? Phản loạn ư?”.
Theo “Việt Nam sử lược” (NXB Văn học, 1920) và “Quốc triều chỉnh biên” (NXB Văn Sử Địa, 1972) , vì quá uất ức, một hôm khi bãi triều, Nguyễn Văn Thành từng chạy theo nắm lấy áo nhà vua mà kêu oan. Vua giật áo bỏ vào cung, rồi sai Lê Văn Duyệt đem Nguyễn Văn Thuyên ra tra hỏi lần nữa. Thuyên lại thú nhận tội của mình.
Lúc này, vua truyền bắt giam Nguyễn Văn Thành và các con để chờ xét án. Án tra xong, thống chế Hoàng Công Lý nói với Nguyễn Văn Thành: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Thành lặng im rồi uống thuốc độc chết. Con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.
Sau khi Văn Thành chết, vua triệu Hoàng Công Lý hỏi: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”, Hoàng Công Lý nói: “Bẩm không”. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”.
Đúng lúc đó, có quân lính nhặt được tờ di chiếu trần tình của Nguyễn Văn Thành trước lúc chết đem dâng. Nội dung di chiếu viết cha con ông bị quy chụp tội danh nhưng không thể kêu oan, đành chọn cái chết.
Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem và nói: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.
Cho đến nay, cái chết của cha con Nguyễn Văn Thành vẫn đặt nhiều dấu hỏi cho các nhà sử gia Việt. Lý do di chiếu trần tình của Nguyễn Văn Thành lại không đến được tay vua trước lúc ông chết vẫn là bí ẩn chưa có lời giải.
Nguồn: Laodong.vn