Một tựa đề đọc lên đã như một lời thổn thức. Thổn thức dặn lòng ngày mai có khi sẽ đến nhưng có khi chẳng đến bao giờ. Bởi ngày mai có khi là kiếp sau!
Những truyện ngắn đàn bà của tác giả Ngọc Trần nhưng có lẽ lại khiến tôi hiểu về đàn ông khá nhiều. Và tôi muốn nhắc lại câu nói hàng ngày hiện đầy trên mạng xã hội: Đàn bà là tấm gương phản chiếu của người đàn ông!
Người đàn ông phản bội sẽ đổi lấy người đàn bà thù hận. Sự thù hận khi đẩy lên đỉnh điểm, hoá lạnh lùng và biến thành tàn nhẫn. Đàn bà vốn là con mèo ngoan nếu được cưng chiều nhưng sẽ trở thành rắn độc nếu phá hoại cuộc đời họ.
“Chuyện tình người điên” là một câu chuyện như thế của tác giả Ngọc Trần. Một cô gái đơn thuần, hoà nhã, hiền lành và yêu chồng như Thanh bỗng chốc bị phản bội bởi người chồng hết mực tin tưởng. Có nhiều người đàn bà khi bị phản bội sẽ điên loạn, gào thét hoặc đánh ghen như một bản năng.
Nhưng với một người phụ nữ đơn thuần, chỉ biết có chồng, coi chồng là cuộc sống là bầu trời thì sự phản bội làm họ chết tâm. Là họ đã không còn cần cuộc sống, không cần bản thân và không quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài sự lặng lẽ. Lặng lẽ sống, không biểu lộ bất kì sự đau khổ nào. Lặng lẽ lên kế hoạch… để chết. Tất nhiên đó không phải là cái chết vô nghĩa, đó là cái chết nhấn chìm cuộc đời khác.
Truyện có loé sáng một tình người, một sự tử tế dường như là ấm áp duy nhất trong hết thảy những tệ bạc, tính toán mà con người dành cho nhau. Đó là cảnh thằng điên lao vào lửa để cứu Thanh. Người khôn hay là người điên, ai tử tế thì đó xứng đáng là con người.
Và đúng là “người thực sự có lòng yêu hoa thì sẽ chăm sóc bông hoa. Còn người thưởng hoa sẽ ngắt bông hoa đẹp nhất về cắm, rồi sẽ thay khi nó héo tàn”.
Tôi thật sự thích cái cách tác giả lồng ghép những chiêm nghiệm, như một lời khẳng định nhẹ nhàng mà chắc chắn trong mỗi đoạn quan trọng của truyện.
“Tùng, Cúc, Trúc, Mai” trong tập truyện “Ngày mai có khi là kiếp sau” lại vẽ lên câu chuyện đau thương mà trong đó từng nhân vật đều phải chọn cái chết để giải thoát. Nhưng nỗi đau vẫn cứ đau đáu xoay vần.
Dù tác giả không khắc hoạ những đớn đau bằng lời văn thống khổ hay ngôn từ cùng quẫn, có khi trong lời văn rất đời thường, ngôn từ thả lỏng dung dị lại vẫn rung bần bật nỗi lòng man dại của đứa trẻ bị bỏ rơi, vẫn đục khoét niềm khắc khoải, khát khao của người con gái gặp phải gã người yêu hèn nhát.
Mỗi một truyện là một dẫn chứng cho thông điệp mà Ngọc Trần muốn truyền tải ngay ở tiêu đề. Mỗi tác phẩm mang một màu sắc riêng, nhưng đều khắc họa nỗi buồn trong cuộc đời người đàn bà. Có khi nhẹ nhàng, bông đùa, có khi cuồn cuộn, đau đớn nhưng đều là những tiếng lòng khao khát yêu thương.
Ngòi bút Ngọc Trần dẫn tôi vào một thế giới khác, đó là thế giới của những dằn vặt, xót xa, kinh ngạc, luyến tiếc và cả sự cảm thông chia sẻ. Tác giả nhắn nhủ rằng: “Muốn gì, yêu ai, hay dành chút thời gian thương mình thì hãy làm ngay đi, vì không ai biết ngày mai có khi đã là kiếp sau”.
Nguồn: Laodong.vn