Mì ramyeon, một trong những món ăn nổi tiếng mang đậm văn hóa Hàn Quốc, lại không phổ biến ở Việt Nam – quốc gia tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu thế giới.
Ở các cửa hàng tiện lợi lớn tại Việt Nam, không khó để tìm kiếm những gian hàng mì gói đa dạng, từ mì nội địa, tới ramyeon Hàn Quốc, ramen hay udon Nhật Bản hay mì Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), vào năm 2022, Việt Nam tiêu thụ khoảng 8,5 tỉ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 thế giới, và đứng thứ nhất thế giới về số gói tiêu thụ bình quân trên đầu người. Trung bình mỗi người Việt Nam ăn 85 gói mì/năm.
Đó là lí do Việt Nam được coi là trung tâm của thị trường mì gói toàn cầu nhờ lượng tiêu thụ mì cao. Tương tự, các thương hiệu mì ramyeon Hàn Quốc cũng thâm nhập thị trường với tham vọng lớn.
Ramyeon còn được coi là phiên bản Hàn Quốc của món mì ramen ăn liền Nhật Bản. Dù ramyeon và ramen phát âm hơi giống nhau nhưng đây là hai loại mì khác nhau. Mì ramen Nhật Bản vị nhẹ nhàng, tinh tế còn mì ramyeon Hàn Quốc lại đậm đà, nổi bật về độ cay, mặn ngấm vào từng sợi mì dai, nước nóng lâu. Ramyeon nổi tiếng xuất hiện trong hầu hết bộ phim K-drama hoặc show truyền hình thực tế.
Tuy nhiên, người Hàn Quốc tỏ ra khó hiểu khi ramen không được ưa chuộng như mong đợi ở Việt Nam, nơi làn sóng văn hóa Hàn rất được chào đón.
Tờ KBS của Hàn Quốc gọi ramen là “niềm tự hào” của xứ sở kim chi, nhưng ở Việt Nam, món ăn này không được lòng đại chúng.
Lí giải về điều này, tờ Chosun cho rằng thị trường Việt Nam đã quá quen với các thương hiệu mì nội địa.
Ramen Hàn có một nhóm thương hiệu nổi tiếng gọi là Big4, bao gồm Nongshim, Paldo, Samyang và Ottogi đều đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhưng nguyên nhân đầu tiên khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn là do khó có khả năng cạnh tranh về giá.
Mì ăn liền Việt Nam thường có giá từ 200 đến 400 won (5.000-10.000 đồng). Mặt khác, giá mì ramen Hàn Quốc dao động từ 1.500 won đến 2.000 won (35.000-45.000 đồng). Đó là mức giá chênh lệch không nhỏ.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt trong phương pháp nấu ăn. Ở Hàn Quốc, người tiêu dùng quen với việc nấu sôi nước trong nồi, cho mì vào rồi đun trong 5 phút. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mì gói thường được chế biến bằng cách rót nước nóng già vào tô, thêm mì. Khi mì đã chín mềm, thực khách có thể ăn ngay mà không cần phải đụng tới bếp, lò…
Mì ăn liền ở Việt Nam có thể được tiêu thụ ở mọi nơi – chỉ cần nước nóng, nhưng thực khách ăn ramen Hàn Quốc cần phải chuẩn bị nhiều dụng cụ như nồi, bếp… Đây rõ ràng là rào cản do khác biệt về thói quen ăn mì, báo Hàn Quốc chỉ ra.
Sở thích và khẩu vị của người dân hai nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam, các món ăn địa phương có rất nhiều loại gia vị và nhiều loại rau không thể tìm thấy ở Hàn Quốc. Vậy nên mì ramen không hợp với khẩu vị của người Việt, vốn ăn nhiều rau củ. Mì Hàn Quốc thường cay và nhiều dầu mỡ, ít rau củ ăn kèm.
Các công ty Hàn Quốc thường muốn giữ bản sắc vị cay đặc trưng của mì ramen Hàn Quốc khi tiếp thị sản phẩm gắn với làn sóng Hallyu. Nhưng từ góc độ phân tích thị trường mì ăn liền Việt Nam, đó là yếu tố nên thay đổi để kết nối với văn hóa ẩm thực của người Việt.
Theo KBS, một quan chức của công ty ramen cho biết việc thay đổi công thức mì, súp và nguyên liệu cho phù hợp với thị trường Đông Nam Á là điều không dễ dàng.
Ngoài ra, ông Yoo Young-guk, nhà phân tích thị trường, tác giả của cuốn sách “Tại sao lại là thị trường Việt Nam?”, nói thêm: “Có những hạn chế đối với các công ty thực phẩm dựa vào sự phổ biến của làn sóng Hallyu, khi chỉ nhấn mạnh vào vị cay kiểu Hàn Quốc. Thay vì tập trung vào kết quả ngắn hạn, việc hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam nên là ưu tiên hàng đầu”.
Nguồn: Laodong.vn