“Nhà & người” – tên sách thật gần gũi, giản dị mà sao càng đọc càng thấy sâu sắc và hấp dẫn. Hai chữ nhà và người như quyện vào nhau trong từng trang viết, dẫu viết một vấn đề gì về nhà, về phố, về làng, về bếp, về đất đá… rồi cũng vẫn là người, người của nhà, của phố đất, của làng, của đất đá…
Những bài đầu tiên của cuốn sách này đã được tác giả viết từ hơn hai mươi năm trước. Cho đến một ngày, cũng chẳng phải đẹp trời lắm, tác giả tập trung lại từ hơn trăm bài viết đã in trên các báo, tạp chí trung ương và chuyên ngành, chọn lọc, viết lại, tỉa tót lại, lấy đúng 60 bài thành “nhà & người” với 330 trang khổ to, giấy đẹp, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành và sẽ giới thiệu đến bạn đọc trong tháng 8 này.
Hẳn là mọi người rất ngạc nhiên khi biết đây là lần đầu tiên – tác giả họa sĩ Lê Thiết Cương có buổi ra mắt sách của riêng mình, dẫu anh đã từng tổ chức ra mắt sách cho không biết bao nhiêu danh nhân là nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên kịch… mà anh yêu quý, ngưỡng mộ, thậm chí tôn thờ.
Nếu bạn đọc biết thêm cơ duyên nào “nhà & người” ra đời thì càng trân quý thêm tác giả của nó – họa sĩ Lê Thiết Cương.
Dồn dập qua nhiều hoạn nạn cùng lúc. Nhưng như cái tên Lê Thiết Cương đã vận vào đời anh, họa sĩ không bi quan, mà vẫn bản lĩnh, vẫn bình tâm làm việc, giao lưu với anh em, bạn bè để tuyển chọn, sửa chữa những bài viết của mình trong hơn 20 năm qua chia thành 4 chủ đề: Cuốn 1 – là kiến trúc, nội thất qua điểm nhìn văn hóa lấy tên là “Nhà và người”; Cuốn 2 – là “Trò chuyện với hội họa”; Cuốn 3 – là “Trong hạt thóc có hạt gạo” gồm những bài viết về văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Cuốn cuối cùng là nhiếp ảnh sẽ lần lượt ra mắt trong thời gian tới.
Ai cũng quý cái chất quyết liệt của Lê Thiết Cương trong từng bài viết. Bài nào, anh cũng viết như lần đầu được viết, viết tất tay, dốc hết tâm huyết vào, dù là một tản văn, một bài báo ngắn, hay một mẩu trên Facebook. Ấy cho nên 60 bài tản văn trong “nhà & người”, bài nào cũng mới, cũng không trùng lặp với bất cứ ai, với bài cũ của chính mình, cho dù cùng một đề tài…
Văn anh gọn, sắc, tối giản, không hề cầu kỳ mà đầy ắp chất liệu và nhiều ẩn ý. Là biên tập viên biên tập cuốn sách này, tôi bị cuốn hút vào bản thảo, đọc như lên đồng, đọc đi đọc lại, dù nhiều bài tôi đã đọc trên báo chí. Thú vị nhất là không phải thêm bớt, cắt bỏ, sửa chữa một chỗ nào vì tác giả đã rà rất kỹ, đến tìm một lỗi chính tả cũng khó tìm. Quả là hiếm!
Cái giỏi của tác giả là khi viết đã chuyển hóa theo nội dung đề tài, nên không hề có sự khoe mẽ học thuật, kiến thức. Như khi viết về họa, anh chuyển hóa màu sắc, bố cục, đường nét thành văn giản dị, dễ hiểu, chứ không lòe thiên hạ bằng những cụm từ chỉ dùng riêng cho giới hội họa. Hay nhà hay phố cũng vậy!
Tổng thể, bố cục, tuy anh nói chia hai phần như tên bìa, nhưng nếu bạn đọc để ý, rất rõ từng phân khúc, phố, làng, nhà, bếp…, trong đó, phân khúc nào cũng cuốn hút tôi, nhưng tôi rất mê series về bếp 4 bài nối nhau, từ “lửa & nước”, “bếp đơn”, “dọn bếp”, “bếp riêng”…
Bài “lửa & nước” rất sâu sắc. Nước lửa hai yếu tố chính của sự sống. Tổ tiên ta ngày xưa chọn nơi sinh tồn tập trung vào 2 yếu tố này: Cạnh nguồn nước để sinh hoạt và cửa hang tránh gió Đông bắc để giữ lửa từ ngày này qua ngày khác, từ đời này qua đời khác.
“Bếp đơn” đưa một điển hình thời chiến tranh là cảnh 30 ông nghệ sĩ ở một tầng có 10 phòng trong nhà tập thể 4 tầng của các văn nghệ sĩ độc thân. Đến giờ nấu ăn mang 30 bếp ra hành lang, 30 que diêm, 30 nồi cơm sôi, 30 bìa đậu, 30 nỗi cô độc, 30 nỗi quạnh hưu lặp đi lặp lại mãi trong hành lang tối mờ.
Từ chuyện bếp, Lê Thiết Cương “bẻ lái” một cách tự nhiên sang vấn đề hạnh phúc. Bây giờ nhiều nhà có bếp to, rộng, rất hiện đại, nhưng có hạnh phúc hay không? Để chứng minh, anh lại dẫn chứng với thầy Đặng Đình Hưng với bát canh dưa chan chan húp húp mà thấy ngon và hạnh phúc vì được “nếm” hương vị gia đình.
Thế mới thấy cái bếp còn là hơi ấm gia đình, hạnh phúc đơn sơ, hiển nhiên mà hàng nghìn năm vẫn thế! Nhưng rồi bây giờ còn mấy ai cảm được?
Trong “Dọn bếp” tác giả dẫn dắt tôi đến Trường trẻ bé mồ côi Hà Cầu – Hà Đông, gặp một câu chuyện vô cùng xúc động bởi bức tranh của cháu bé mồ côi vẽ bằng bút chì đen trên giấy trắng A4 chỉ mấy nét, dễ hình dung ra cái bếp và bộ bàn ghế nhỏ. Cháu thổ lộ: “Cháu vẽ một bữa cơm, cháu ngồi giữa, hai bố mẹ cháu ngồi ở hai đầu bàn. Ở trường, cô thầy yêu cháu, xem như con, nhưng cháu vẫn mơ về một tổ ấm với bữa cơm gia đình rất bình dị như bao gia đình đang có”.
Sau này, tôi đọc thêm mấy bài Lê Thiết Cương viết về ẩm thực, nhất là bài “Biên giới nước mắm” in trên Tia sáng gần đây, tôi mới hiểu tại sao mỗi lần họa sĩ mời cơm tôi lại bưng cái mâm son, những chiếc chén đựng nước mắm cốt, và nếu bánh cuốn thì ắt phải có vị cà cuống thứ thiệt. Ban đầu tôi nghĩ bạn mình cầu kỳ quá, nhưng không phải, bạn ấy đang nhắc tôi về hương vị gia đình, quê hương mà rất có thể tôi đã đang đánh mất dần.
“Bếp riêng” cũng vậy, tiếp nối chuyện gia đình, được nhấn thêm: Chuyện vợ chồng, chuyện nhà cửa, chuyện hạnh phúc, bất hạnh loanh quanh thế nào lại vẫn là chuyện bếp.
60 tản văn “nhà & người”, là 60 một thế giới riêng, 60 tác phẩm hoàn chỉnh nhưng lại được tác giả sắp xếp theo từng cụm bài liên hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau, cái trước làm tiền đề cho cái sau, cái sau giải quyết tiếp những cái trước đặt ra. Hơn thế, tổng thể, tác giả dù viết về nhà cửa, bếp núc, phố phường, làng xóm, đình chùa, đều hội tụ về một điểm, con người. Con người là chủ thể thế giới xung quanh, chủ thể của nội tâm, kể cả tâm linh…
Trong rất nhiều bài, bạn đọc tinh ý sẽ cảm nhận tính triết học trong bài viết, cả Phật học, dù được hòa tan vào đồ vật, sự kiện… Đọc “36 phố – Một Hà Nội”, tác giả nhìn thấy cõi âm, dưỡng nhiều hơn sinh. Hay đọc các tản văn “Duyên Đà Lạt”, nơi mà cả Thiên chúa giáo và Phật giáo chọn, làm cho một Đà Lạt thật nhiều nhà thờ, chùa chiền và ở giữa là hoa.
Với “nhà & người”, Lê Thiết Cương thành nhà sưu tập, đi khắp mọi miền xứ sở, từ thành thị, nông thôn, làng quán, đi sâu vào cội nguồn văn hóa, cái đẹp, nhân tình từ ngàn xưa…
Cũng có lúc cái đẹp, cái cũ xưa bị hao mòn, thậm chí đã bị đánh mất… Cương thành kẻ hành khất muốn tìm lại quá khứ, xin lại cái đã dĩ vãng đẹp đẽ ngày nào… Cũng mạch này, bài “Đêm ngắn”, anh còn đưa ta qua thành thị trấn Hoa Kỳ (Mỹ), Carmel để lại một giấc mơ đẹp, dang dở, mỗi ngôi nhà một dáng khác nhau, không ai giống ai, chỉ giống chung là nhà nào cũng đẹp, cái đẹp của sự khác biệt, như những tác phẩm mỹ nghệ làm bằng thủ công…
Một bài ở xứ sở cờ hoa ồn ào náo nhiệt với những nét khác biệt thật độc đáo, bên cạnh những tòa nhà chọc trời như New York, sòng bạc thế giới như Las Vegas, thế giới điện ảnh Hollywood… vẫn tồn tại thị trấn Carmel xinh xắn, nhưng là nốt lặng giữa bản hòa ca hùng tráng…
Nghĩ về “đất & người”… Và anh lại mơ… Đêm dài thì lắm mộng, nhưng đêm ở Cali quá ngắn… Thành ra giấc mơ dang dở mãi…
28.7.2024
Cuốn sách “nhà & người” dày 340 trang, kích cỡ 18x24cm do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép, công ty Liên Việt in và phát hành.
Đây là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 cuốn sách của họa sĩ Lê Thiết Cương, sẽ lần lượt ra mắt. Tiếp theo là cuốn “Trò chuyện với hội họa” và “Trong hạt thóc có hạt gạo” (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).
Buổi giới thiệu sách của họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ tổ chức vào 10h ngày 8.8 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội nhà văn (Hà Nội).
Nguồn: Laodong.vn