Câu chuyện Le Sserafim bán cảm xúc của mình thông qua bộ phim tài liệu mới gây ra tranh cãi trái chiều.
Ngày 29.7 vừa qua, HYBE phát hành phim tài liệu “Make It Look Easy” gồm 5 tập, ghi lại hành trình của Le Sserafim từ khi luyện tập cho buổi biểu diễn cuối năm 2022 đến khi chuẩn bị cho mini album thứ 3 “Easy” vào năm 2024.
Dù không phải là nhóm nhạc đầu tiên cho thấy mặt tối của cuộc sống thần tượng, tuy nhiên, phim tài liệu của Le Sserafim gây sốc khi miêu tả chân thực và chi tiết về nỗi đau khổ của các thành viên.
Đơn cử, trong tập đầu tiên, Eunchae bị thở gấp trong một buổi showcase trở lại nhưng vẫn cố gắng biểu diễn. Một thành viên khác – Sakura lại đang tập luyện với mặt nạ dưỡng khí trước khi ra mắt.
Ở tập 2, Yunjin khóc trong lúc luyện tập và cho biết, cô cảm thấy bị áp lực bởi công chúng và những người trong ngành. Trong tập 3, Sakura bật khóc và rời khỏi sân khấu trong buổi chiếu chương trình trở lại. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay cả đoàn làm phim cũng phải dừng lại.
Nghĩ lại về thời điểm đó, nữ ca sĩ thú nhận: “Tôi cảm thấy có lỗi với người hâm mộ vì những gì tôi đã làm tốt trong quá trình luyện tập đã không thành công trên sân khấu, và tôi đã phải vật lộn vì phải tiếp tục mỉm cười”.
Trong một tập khác, các thành viên liên tục tự hỏi: “Tại sao mình lại chọn trở thành thần tượng?”, “Có đáng để tiếp tục làm điều này khi nó quá khó khăn không?” hay “Mình không biết điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc”… gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Lí do là vì, hầu hết các cảnh trong 5 tập phim đều cho thấy các thành viên kiệt sức về thể chất và tinh thần, song vẫn cố thể hiện thông điệp “tiến về phía trước mà không sợ hãi”.
Trước những ồn ào về phim tài liệu của Le Sserafim, tờ Oh My News (Hàn Quốc) đưa ra nhiều phỏng đoán. Trong đó, mục đích là để “bán hàng”, được tờ này nhấn mạnh.
“Giống như những người bán hàng, thần tượng phải tìm ra điểm bán hàng độc đáo của mình để tồn tại trong ngành. Điều này dẫn đến tình huống mà thần tượng phải sử dụng ngay cả những khó khăn của mình như một vũ khí để thu hút công chúng.
Hiện tượng này được thúc đẩy bởi sự mở rộng toàn cầu của Kpop và sự ra mắt liên tục của các nhóm nhạc thần tượng mới, tạo ra một môi trường mà các thần tượng dễ dàng bị thay thế.
Các thần tượng là những “ngôi sao” hoàn hảo, nhưng đồng thời, họ đã trở thành “sản phẩm” có thể bị thay thế bởi những ngôi sao khác. Mặc dù luôn có khía cạnh hậu trường trong vẻ ngoài quyến rũ, nhưng ngay cả khía cạnh đó cũng đã trở thành hàng hóa” – báo Hàn viết.
Tờ này cũng đưa ra ví dụ về thương mại hóa thần tượng là “dịch vụ truyền thông trả phí”. Với mức phí đăng kí trung bình từ 3.500-4.500 won (65.000-84.000 đồng) mỗi tháng, người hâm mộ có thể giao tiếp với thần tượng.
Nền tảng này được thiết kế để tạo cảm giác như một cuộc trò chuyện một-một, khiến người hâm mộ cảm giác họ đang trao đổi tin nhắn văn bản với thần tượng. Tuy nhiên, “cuộc trò chuyện” này cũng có nhiều mặt trái. Trong đó, không ít người hâm mộ hiện ưu tiên “giá trị đồng tiền” hơn tình yêu.
Khi thần tượng không thường xuyên đăng nhập vào ứng dụng giao tiếp hoặc gửi tin nhắn ngắn, họ có thể phàn nàn bản thân không “nhận được giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra”. Thậm chí, có người còn yêu cầu hoàn lại tiền do thần tượng không hoạt động trên ứng dụng.
Báo Hàn cho rằng, kể từ khi các dịch vụ truyền thông trả phí ra đời, thần tượng đã trở thành những người lao động tình cảm bán niềm vui cho một đám đông vô danh. Và việc các thành viên Le Sserafim khóc đẫm nước mắt khi thú nhận những khó khăn của mình dường như cũng không nằm ngoài điều đó.
Nguồn: Laodong.vn