Đền Bảo Hà nằm tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vùng biên giới. Đền nằm ở vị trí đắc địa “trên bến dưới thuyền”, với phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy và bên hữu ngạn là khu đồi cấm, tạo nên cảnh quan “sơn thủy hữu tình”, ẩn mình giữa núi non hùng vĩ và dòng sông Hồng thơ mộng.
Vị trí quan trọng trong lịch sử
Trong các giai đoạn cổ trung và cận đại, sông Hồng là tuyến giao thông huyết mạch nối liền vùng Bắc Bộ – Việt Nam với Vân Nam – Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong giao thương. Bảo Hà giữ vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ biên giới, là cửa trạm canh phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc Việt Nam, ngăn chặn các cuộc tấn công từ phương Bắc về Thăng Long.
Nhận thức được tầm quan trọng của con đường thủy này, nhà Trần đã thiết lập hai cửa trấn ải là Bảo Thắng và Bảo Hà dọc theo sông Hồng, đồng thời xây dựng cửa quan Bảo Hà thành hậu cứ trực tiếp của cửa quan Bảo Thắng, nơi đóng đại bản doanh của quân thủy bộ. Bảo Hà có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin tình hình của cửa quan Bảo Thắng cho các Châu huyện phía dưới. Nhờ đài hỏa hiệu ở Bảo Thắng, trấn Quy Hóa nắm bắt được tình hình và kế hoạch tấn công của quân Nguyên Mông (1258 – 1285), báo cho quân triều đình có kế hoạch phòng bị cửa ải Lê Hoa, và tướng Trần Ban đã tu sửa các trạm đài tại Bảo Hà.
Trong tác phẩm “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn, châu Thủy Vỹ được ghi rõ với các thông tin như: “Động Cam Đường có mỏ vàng, Động Trình Lạn và động Sơn Yên có mỏ đồng. Thổ sản có thảo đậu khấu. Động Ngọc Uyển có mỏ kẽm và bạc. Trên sông Ân đối ngạn với điếm Bắc Sát có sở Tuần Ty ở xứ Nguyên Đường, thu thuế muối, mỗi năm được một nghìn lạng bạc. Phong tục, ngôn ngữ và văn tự giống như châu Văn Bàn. Họ Nguyễn đời đời làm Phụ đạo, binh hiệu gọi là Ninh Nhất. Sau loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang. Những người quản cũ ở động Hương Sơn và động Trình Lạn chiêu mộ người Nùng áo xanh về khẩn điền khai mỏ chịu thuế. Các tù trưởng chiêu tập người Nùng và người Mán về ở lẫn lộn, nhưng họ khó dạy và dễ làm theo giặc. Đường bộ từ châu Văn Bàn đi vào rất khó khăn. Đường thủy từ sông Thao đi ngược lên, phía dưới sông nhiều đá lởm chởm, gập ghềnh”.
Trong thời Cảnh Hưng (1740-1786), giặc phương Bắc thường xuyên quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành luỹ kiên cố chống giặc. Vị trí Bảo Hà ngày càng trở nên quan trọng, có đường sông và đường bộ huyết mạch nối liền biên giới với lỵ sở Hưng Hóa. Trước nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ. Sau đó, ông thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Sau này, khi quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt dẫn đầu xâm lược, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân tham chiến. Tuy nhiên, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và xác trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù tổ chức vớt xác lên chôn cất và lập miếu thờ.
Ngôi đền “trấn trị” miền biên viễn
Theo truyền thuyết và lời kể của một số cao niên ở vùng Bảo Hà, có một điều kỳ lạ khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại, trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã. Từ thi thể ông phát ra ánh hào quang, phi lên thân ngựa, đến khu vực núi Cấm, vùng trung tâm Bảo Hà thì dừng lại. Trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này, khi hiển linh, ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà.
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được phong là “Thần vệ quốc”. Đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao tôn thờ ông như một vị nhân thần. Lễ chay ở đền Bảo Hà đặc trưng bởi bảy loại quả, tương ứng với các mùa trong năm, tạo nên nét độc đáo trong lễ vật dâng cúng ông Hoàng Bảy. Số 7 của bảy loại quả tượng trưng cho tên của ông Hoàng Bảy, nhằm tôn vinh công lao của đức Thánh. Lễ mặn tại các cung, các ban thường bao gồm gà, xôi, thủ lợn, cháo, và oản. Đặc biệt, lễ vật dâng cúng ông Hoàng Bảy vào ngày giỗ ông phải có ba con vật (lễ tam sinh) được lựa chọn kỹ lưỡng: trâu đực, bò đực, và lợn đực, nhằm ghi nhớ công lao của những binh sĩ đã bảo vệ bờ cõi.
Bên cạnh những lễ vật này, lễ hội Đền Bảo Hà còn nổi bật với tục “tiến mã” (dâng ngựa) trong các nghi lễ thờ cúng. Lễ dâng ngựa gồm bảy con ngựa với bảy màu khác nhau. Lễ hội đền Ông đặc biệt với phần rước kiệu linh đình, được thực hiện bởi những thanh đồng nhỏ tuổi đã ăn chay ba ngày trước đó. Vào ngày lễ chính, từ sáng sớm ngày 17.7 âm lịch, lễ rước kiệu bắt đầu từ đền Cô Tân An (xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, nơi thờ Nguyễn Hoàng Bà Xa, con gái của danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy). Đội khiêng kiệu lễ từ đền Cô Tân An sang đền Bảo Hà gọi là Kiệu Long Đình, do tám phụ nữ mặc trang phục dân tộc khiêng. Những người này đều được tuyển chọn cẩn thận, ăn chay liên tục ba ngày và gia đình họ phải hòa thuận, ấm no. Các giá kiệu bao gồm kiệu Phật, kiệu Mẫu, kiệu Vua Cha, kiệu Ông Bảy, kiệu Công chúa Thượng Ngàn cùng các lễ vật.
Khi kiệu Ông về đền, nghi lễ thiêng liêng nhất diễn ra, bắt đầu bằng phần đọc chúc văn tóm tắt công lao to lớn của Ông trong việc giúp dân chống giặc, xây dựng quê hương trù phú, bình yên. Tại sân đền, đoàn rước kiệu đặt ba mâm lễ chính bên ngoài lễ vọng. Ông chủ tế đọc chúc văn, dàn nhạc nổi chiêng trống từng hồi, mỗi hồi ba tiếng. Khi đọc đến các đoạn ngắt nhịp, đều điểm trống chiêng một hồi ba tiếng. Đoạn kết điểm ba hồi chuông chín tiếng. Sau khi đọc chúc văn xong, ông chủ tế hóa chúc, đội tế nam lễ bái theo nghi thức truyền thống.
Tiếp đó là nghi thức dâng hương, biểu hiện lòng thành kính của con cháu đối với vị Thánh anh linh. Khi bắt đầu nghi thức dâng hương, ban nhạc nổi ba hồi chín tiếng trống chiêng, sau đó mở nhạc lưu thủy suốt quá trình dâng hương. Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi động với các cuộc thi và trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đánh cờ, chọi trâu, và trình diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc.
Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Ngày 21.3.2022, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 607/QĐ-UBND công nhận đền Bảo Hà, bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên là điểm du lịch. Đền Bảo Hà đã được đầu tư mở rộng và trùng tu, tôn tạo khang trang, lộng lẫy, thoáng rộng và uy linh. Điều này hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đền Bảo Hà trở thành trung tâm du lịch tâm linh của khu vực phía Bắc và cả nước.
Đền Bảo Hà đã được xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 11 năm 1997. Đền có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng và tâm linh. Ngôi đền biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bảo Yên, tinh hoa nghệ thuật kiến trúc đền chùa, và là không gian linh thiêng gắn với tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu của người Việt. Đền Bảo Hà còn là nơi thăng hoa cho nghệ thuật hát văn và tín ngưỡng hầu đồng.
Nguồn: Laodong.vn