Đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu được Nhà nước xếp hạng, công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Ngày nay đền thờ ông ở thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cổ kính có tuổi thọ gần 600 năm.
Đền đã nhiều lần tôn tạo, trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc cổ. Tại di tích có bảo tồn 2 tấm bia đá, những di sản văn hóa có giá trị tư liệu Hán Nôm quý báu về lịch sử văn hóa thời Hậu Trần và Hậu Lê.
Nghĩa sĩ hiên ngang trước giặc dữ
Bia đền thờ Nguyễn Biểu, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bia 2 mặt, tên gọi “Văn bia miếu Nghĩa Vương”, khổ 145 x 80cm, trán bia chạm rồng chầu mặt nguyệt, diềm chạm hoa văn lá. Chữ khắc to, rõ ràng. Niên đại dựng bia lập ngày 8 tháng 10 năm Tự Đức thứ 30 (1877), do người dân thôn Nội Diên, xã Yên Hồ lập ghi lại. Lê Viết Huy, Cử nhân, người xã Mỹ Đà, tỉnh Thanh Hóa làm tri huyện, huyện Hương Sơn nhuận chính. Thợ đá Mai Khắc Ý, người thôn Nhuệ, tỉnh Thanh Hóa khắc bia. Là bia chép việc trùng tu đền thờ Nguyễn Biểu vào thời vua Tự Đức.
Theo ghi chép trong “Văn bia miếu Nghĩa vương”, bài in ở sách “Văn bia Hà Tĩnh” thì: Nghĩa sĩ Nguyễn Biểu người làng Bà Hồ, huyện Chi La (sau đó đổi làng Bình Hồ, lại đổi xã Yên Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Năm 1831, thời Minh Mệnh, huyện La Sơn đổi thành huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), triều Trần, làm quan đến chức Điện tiền Thị ngự sử, Lê Thái tổ phong thần hiệu Nghĩa Vương. Vào năm Trùng Quang thứ 5 (1413) tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh cướp nước ta, đánh chiếm đất Nghệ An, vua chạy vào thành Hóa Châu, sai ông làm sứ giả đi cầu phong.
Khi đến thành Nghệ An, Trương Phụ bày tiệc “đầu người” thết đãi. Nguyễn Biểu không sợ hãi mà ăn ngon lành: “Trương Phụ biết là người không chịu khuất phục, nên lấy lễ để sai khiến cho về. Nhân đó tìm hỏi viên quan đầu hàng là Phan Liêu. Liêu nói: Phải truy đuổi theo bắt lại. Lúc bị bắt lại, Ngài lấy tay đề lên trụ cầu Lam rằng: Ngày 1 tháng 7 Nguyễn ta chết. Rồi trở lại, nghiêm sắc mặt mà mắng Phụ, Phụ nổi giận, sai đánh Ngài đến chết, rồi cho đưa xác về thôn ấp mai táng, đến nay trước miếu vẫn còn lăng” (Văn bia Hà Tĩnh tr. 170).
Sự kiện này có chép trong chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” (Bản kỷ thực lục, kỷ hậu Trần) như sau: “Tháng 3 năm 1413 (Âm lịch) vua Trùng Quang trở về hành tại Nghệ An, trong tình thế khó khăn. Mùa hạ, tháng 4, Trương Phụ tướng nhà Minh vào cướp phá Nghệ An. Vua chạy vào đất Hóa Châu, rồi sai Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang phương vật tới Nghệ An. Trương Phụ bắt giữ Nguyễn Biểu lại. (Ông) Biểu tức giận mắng Trương Phụ rằng: “Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bên ngoài thì rêu rao là quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt thành quận, huyện; không chỉ cướp bóc của cải châu báu, lại còn tàn hại sinh dân. Thực là loài giặc dữ”. Trương Phụ nổi giận giết chết Nguyễn Biểu”.
Sự hy sinh vì nghĩa lớn của Nguyễn Biểu được hậu thế nhiều đời ghi nhận. Núi Lam Thành, (Hưng Lam) nơi nghĩa sĩ Nguyễn Biểu bị tướng giặc Trương Phụ đánh chết được đặt tên Nghĩa Liệt. Hậu nhân đánh giá về tiết tháo của Nguyễn Biểu: “Tiết tháo của Nguyễn Biểu thật lẫm liệt. Trước giặc giữ lòng chỉ nghĩ đến vua. Trong vận suy của nước, vẫn làm rạng danh quốc thể. Trương Phụ giết ông nhưng phải ngầm kính phục, cho đưa thi hài về Bình Hồ an táng. Triều đình nhà Lê sai lập miếu thờ, phong là Nghĩa sĩ” (Danh nhân Hà Tĩnh Tr. 41). Nguyễn Biểu được đánh giá có chính khí ngút trời xanh, sáng rực cùng trăng sao, cao sâu như vực núi, muôn thuở lẫm liệt. Trăm đời sau nghe uy phong còn cảm kích, mới biết nền đất cột trời không phải mập mờ, mà hào quang tỏa hương thơm ngát. Tất cả người dân ghi nhớ trong lòng, trường tồn cùng bia đá, danh thơm muôn đời.
Triều Lê ghi công lập miếu thờ Nghĩa Vương
Theo “Văn bia miếu Nghĩa Vương”, từ khi vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa, Ngài (Nguyễn Biểu) hiển linh báo mộng phò giúp vua chiến thắng. Sau khi vua Thái tổ đánh bại giặc Minh, lên ngôi hoàng đế, ổn định đất nước, sắc phong Nguyễn Biểu là: “Nghĩa sĩ Linh ứng Uy linh Trợ thuận đại thần. Các con cháu đều được phẩm trật hiển danh” (Văn bia Hà Tĩnh tr. 170). Con trưởng ông là Nguyễn Tồn làm quan đến chức Hải Tây đạo. Con thứ Nguyễn Hạ, giữ chức Tuần kiểm sứ. Cháu xa đời Nguyễn Phong, vào năm Quý Mùi, hiệu Quang Hưng, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Thái thường tự khanh, tặng Hữu thị lang bộ Công. Đức lớn của Nghĩa Vương tạo dựng, nhiều đời vinh hiển, nay còn rất thịnh vượng.
Vào khoảng niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tôn ban chiếu chỉ cho dân Nội Diên sở tại dựng miếu Nghĩa Vương để thờ Nguyễn Biểu, đồng thời cấp ruộng tế, con cháu đời đời thế tập (phụng tế 1 người, thừa tự 2 người); đến ngày tế dân làng sở tại phải đến làm lễ tế cúng, quan Trấn thủ Nghệ An hàng năm phải đến tế lễ ở miếu (đền) Nghĩa Vương. Cuối triều Lê sang thời Tây Sơn, đền miếu tàn lụi, việc tế lễ bị bãi bỏ. Nhà Nguyễn ban sắc tặng, người dân lại dựng một tòa đền miếu lợp cỏ, buổi đầu việc tế tự chưa được đàng hoàng, đông vui. Đến thời Tự Đức, vào năm Kỷ Tỵ (1869) miếu (đền) Nghĩa Vương được các quan viên, nhân sĩ hảo tâm cùng nhân dân thôn Nội Diên, xã Yên Hồ trùng tu khang trang bề thế. “Văn bia miếu Nghĩa Vương” chép: “Nhân có quan Công bộ Thượng thư Thám hoa Nguỵ Khắc Đản, người huyện Nghi Xuân hồi làm Bố chánh phiên sảng Nghệ, được viên Cử nhân trong huyện là Phan Quang Quýnh mách cho biết, nên đã cấp tiền cho mua gỗ lim dựng một toà trung đường. Các quan địa phương, cùng các bậc sĩ nhân hảo tâm quyên cúng trợ giúp, nên nhân đó trùng tu một tòa hạ đường, các toà miếu đều lợp ngói đẹp đẽ, lát gạch hoa nguy nga tráng lệ” ( Văn bia Hà Tĩnh tr. 171).
Di sản bia Trung Nghĩa
Bia Trung Nghĩa, khuôn khổ 120 x 60 cm, có chóp, chạm hổ phù, diềm chạm hoa văn lá. Toàn văn chữ Hán, chữ khắc chân phương. Bia dựng ngày 2 tháng 5 niên đại Tự Đức 28, tức năm 1875. Cử nhân Hoàng Xuân Phong, tri phủ, phủ Kiến Thuỵ, người xã Nhân Thọ viết bài minh. Tú tài Trần Doãn Huy người An Thái viết chữ. Thợ khắc Hoàng Đăng Ngũ người thôn Nhuệ tỉnh Thanh Hóa khắc chữ.
Nội dung văn bia Trung Nghĩa chủ yếu ghi chép về thân thế sự nghiệp của Nghĩa Vương tôn thần Nguyễn Biểu giống với “Văn bia Nghĩa Vương miếu”. Và việc thời thế nhà Trần suy vi, giặc phương Bắc vừa tới đắp thành, dựng lũy mưu chiếm nước ta. Và sự kiện vua Trùng Quang họp bàn, chọn sứ giả đến trại giặc điều đình việc giảng hòa, Nguyễn Biểu gan dạ quả quyết xin đi: “Đến nơi, Ngài không hề run sợ, sắc mặt không thay đổi, lời nói vẫn đàng hoàng. Giặc biết người này không thể lấy uy lực để dọa được, nên lấy lễ để đãi rồi tiễn về. Nhưng bọn gian thần là Liêu, Hựu ngầm xui giặc đón bắt ép. Khi trở về đến cầu Yên Quốc, Ngài khảng khái nói không kiêng nể gì, thề rằng thà chết chứ không để giặc phụ. Đến lúc sắp chết, Ngài đề chữ vào cột cầu và chửi giặc không ngớt, tiếng chửi còn vang vọng đến 7 ngày sau. Thật là tráng liệt thay” (Văn bia Hà Tĩnh Tr. 175).
Bia Trung Nghĩa đánh giá chính khí hiên ngang của Nguyễn Biểu: “Trong lòng chỉ có vua, trong mắt coi thường giặc”. Và: “Lòng trung thành của Ngài chói lọi như mặt trời, đầm đìa như sương Thu. Khí tiết của Ngài không theo nước triều xuống lên mà chìm nổi; tiếng thơm của Ngài không cùng nhịp cầu mục nát. Thế thì giặc phương Bắc có giết được Ngài đâu? Chúng chỉ làm cho danh tiếng của Ngài thêm trọn vẹn. Cho nên sống tinh anh thì chết ắt linh thiêng. Cuối cùng bọn nghịch tặc ấy hết thảy tiêu ma, đất nước mãi bền vững mà bảo toàn được dư linh của Ngài, ngầm giúp trợ vậy” (Văn bia Hà Tĩnh Tr. 175). Bài minh viết rằng: “Trượng phu ngời chí khí/ Giúp nước tài đống lương/ Sinh tử tròn một tiết/ Đạo nghĩa suốt tam cương/ Núi Thành cao lớp lớp/ Sóng Lam cuồn cuộn trôi/ Non sông cùng nước thẳm/ Tiết liệt sáng như gương”.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử diễn ra thăng trầm, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá. Trong đó có sự kiện năm 1968, đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu bị bom Mỹ phá hủy khu hạ điện. Hết chiến tranh, nhân dân xã Yên Hồ đã tu sửa để thờ tự Nghĩa Vương. Năm 1991, đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu, được Nhà nước xếp hạng, công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Từ năm 1991 đến nay, đền được nhân dân nhiều lần tu sửa. Năm 2007, được Nhà nước cho phép trùng tu nhà trung điện. Năm 2012, tiếp tục trùng tu đền với nguồn kinh phí 7,5 tỉ đồng. Hiện nay, di tích đền thờ Nghĩa Vương khang trang. Hàng năm, vào ngày 1 tháng 7 Âm lịch, chính quyền địa phương, ngành văn hóa Hà Tĩnh cùng dòng họ Nguyễn và nhân dân xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có tổ chức lễ hội tri ân Nghĩa Vương.
Nguồn: Laodong.vn