Di sản mộ tổ họ Dương và Tiến sĩ Dương Trí Trạch

Dòng họ Dương, ở xã Bạt Trạc (nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có ngôi mộ cổ, là nơi yên nghỉ của vị thủy tổ ở hốc đá Lưỡi Cày, núi Lách trong dãy Hồng Lĩnh. Ngôi mộ tổ họ Dương được đánh giá có danh tiếng, nơi phát tích sự nghiệp của các nhà khoa bảng Dương Trí Dụng, Dương Trí Trạch. Đền thờ đã công nhận, xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Di sản mộ tổ họ Dương và Tiến sĩ Dương Trí Trạch
Đền thờ Dương Trí Trạch ở xã Khánh Vĩnh Yên,
huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hà Tĩnh

Di sản mộ cổ họ Dương ở hốc đá Lưỡi Cày

Theo sách “Nghi Xuân Địa Chí” của Đông Hồ Lê Văn Diễn, núi Lách” một ngọn núi thuộc dãy Hồng Lĩnh ở xã An Lạc và Tam Đăng hạ (nay thuộc thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Quốc lộ 1A chạy qua phía Tây Bắc núi Lách. Bên cạnh quốc lộ, dưới chân núi có ngôi mộ cổ của Thái tổ họ Dương tại hốc đá Lưỡi Cày: “Mộ tổ họ Dương ở chân núi Lách, bên đường cái quan. Nơi thường gọi là hốc đá Lưỡi Cày. Họ Dương vốn ở xã Bạt Trạc (nay là Yên Lộc), huyện Thiên Lộc. Sách địa lý nói ngôi đất này “ngày chầu hầu muôn lạy, đêm đỏ rậy trăm đèn”.

Về sau có Dương Trí Dụng, Dương Trí Trạch là con cháu dòng họ này, thế hệ tiếp nối nhau làm quan to (Bản dịch Nghi Xuân địa chí, tr. 106). Mộ tổ họ Dương ở hốc đá Lưỡi Cày là một trong những ngôi mộ có danh tiếng ở đất Nghi Xuân. Ngôi mộ được đặt ở đây khoảng đầu thế kỷ 16, trước khoa thi Hoàng giáp Dương Trí Dụng thi đỗ, đến nay di sản vẫn được bảo tồn. Mộ Thái tổ họ Dương hiện nay vẫn tồn tại sát quốc lộ 1A, thuộc tổ dân phố 1 thị trấn Xuân An. Theo người dân sống gần đó cho biết: “Vào khoảng năm 2017, con cháu họ Dương ở xã Yên Lộc, huyện Can Lộc ra tu bổ “ốp lát” ngôi mộ, có đề dòng chữ quốc ngữ “Mộ Thái tổ dòng họ Dương”.

Theo gia phả, quê quán họ Dương vốn ở xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã di cư đến xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Ngày nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đến đời Dương Trí Dụng, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ chế khoa, đời Lê Anh Tông thứ 8 (1565) làm quan cho nhà Lê Trung hưng đến chức Tả thị lang, Thượng thư bộ Công, tước Lâm quận công. Con Dương Trí Dụng là Dương Trí Thân, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Công, Thái bảo, tước Nham Thạch hầu. Cháu nội Dương Trí Dụng là Tiến sĩ Dương Trí Trạch (1586 – 1662), đỗ tiến sĩ đời Lê Kính Tông (1619), làm đến chức Thượng thư bộ Lại, tước Bạt quận công, khi mất được phong Thái tể. Trong dân gian vùng đất “địa linh nhân kiệt” Nghi Xuân truyền đời, họ Dương ở Bạt Trạc nhờ phúc khí ngôi mộ Thái tổ ở tảng đá Lưỡi Cày, rú Lách phát tích mà làm nên “thế gia vọng tộc”, tiếng tăm lừng lẫy vùng Thiên Lộc – Can Lộc.

Bàn về thuật trị nước yên dân

Ông Dương Trí Trạch, sinh năm Bính Tuất (1586) ở làng Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trong một “thế gia vọng tộc” hiếu học đương thời. Tuổi trẻ là người thông tuệ, ham học hỏi nhưng thi Hương chỉ đậu tú tài, không được bổ đi làm quan. Đến năm ngoài 30 tuổi, ông mới đỗ Hương cống trường thi Nghệ An. Khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) niên hiệu Hoằng Định thứ 20, đời Lê Kính Tông, dự kỳ thi Đình, Dương Trí Trạch đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, lúc đó ông đã 34 tuổi.

Sau khi đậu tiến sĩ, ông ra làm quan phục vụ triều đình vua Lê chúa Trịnh. Đối nội đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng; ngăn cản cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh nhằm ổn định và chấn hưng đất nước; can gián vua chúa mỗi khi sai lầm; lĩnh vực giáo dục – khoa cử sưu tầm khảo cứu, nhuận sắc và tổng duyệt 25 văn bia tiến sĩ từ khoa thi năm Giáp Dần (1554) đời vua Lê Trung Tông đến khoa năm Nhâm Thìn (1652) đời vua Lê Thần Tông. Đối ngoại, làm Chánh sứ tuế cống sang nhà Minh 3 năm, không làm nhục quốc thể mà đem vinh quang về cho đất nước. Theo sử sách chép, mùa Đông năm Canh Ngọ (1630), tiến sĩ Dương Trí Trạch được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ vận chuyển cống phẩm sang nhà Minh. Ông hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại xuất sắc. Năm Quý Dậu (1633) sau 3 năm ở Trung Quốc, đoàn sứ do Dương Trí Trạch làm Chánh sứ về kinh bái yết triều đình. Ông Dương Trí Trạch được biểu dương công trạng và thăng chức quan Bồi tụng.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào tháng 12 năm Giáp Thân (1644), Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc cùng Đốc thị Dương Trí Trạch đi đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng, bố trí quân mai phục, chém được đại tướng của nhà Mạc, có công truy bắt được nhiều đảng giặc rồi rút quân về. Lúc đó, ông được thăng chức Thượng thư bộ Lễ, kiêm Thị độc viện Hàn lâm làm việc ở Khu mật viện, được phong Dực vận Tán trị công thần, tước Bạt quận công. Là người đặc biệt quan tâm việc ổn định đất nước, mong muốn người dân được “an cư lạc nghiệp”, tiến sĩ Dương Trí Trạch đã 2 lần dâng sớ cho vua Lê nói rõ mối họa cát cứ giữa thế lực Đàng ngoài và Đàng trong từ những năm 1630. Ông Dương Trí Trạch, người có công lớn trong việc giữ mối hòa hiếu giữa hai nhà Trịnh – Nguyễn, tránh họa anh em tương tàn.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép, khi giữ chức Tham tụng, để xây dựng Đàng ngoài vững mạnh, ông cùng đại thần Phạm Công Trứ dâng sớ bàn về việc thuế khoán làm trường và cung đốn các thứ cho trường thi Hương nên đơn giản, kiệm ước để bớt phí tổn cho dân. Đồng thời tiến sĩ Dương Trí Trạch dâng sớ nói rằng: Thuật trị nước yên dân phải dùng cả văn lẫn võ: “Đạo trí trị phải thưởng phạt công minh. Các võ tướng phải xông pha chống giặc, bảo vệ nước nhà, nếu biết thúc ước nghiêm minh, liều mình cố sức để làm nên sự nghiệp công lao thì tùy theo mức độ công lao mà xét thưởng. Nếu có kẻ dùng dằng nhát sợ, hành quân trái luật thì trị tội theo quân pháp. Luật khuyến khích răn trừng như vậy, thật đã rất nghiêm.

Mộ cổ Thái tổ họ Dương ở hốc đá Lưỡi Cày cạnh quốc lộ 1A. Ảnh: Đặng Viết Tường
Mộ cổ Thái tổ họ Dương ở hốc đá Lưỡi Cày cạnh quốc lộ 1A. Ảnh: Đặng Viết Tường

Còn văn thần thì phải giúp vua, thương dân để tô điểm thái bình. Nếu biết thận trọng, thanh liêm, chăm việc, công bằng xứng với chức vụ thì tùy theo chính tích tốt đẹp ra sao mà khen thưởng. Nếu có ai thừa hành công việc hoặc xét hỏi, kiện tụng mà không sửa đổi trước lại bẻ cong luật pháp, ăn của đút lót, để chậm quá kỳ hạn, xét xử không đúng, vào bè kết đảng vì ân nghĩa riêng mà nhận lời thỉnh thác làm nhiều điều nhũng nhiễu đến nỗi nát chính hại dân, tội nhẹ thì giáng bãi chức, tội nặng thì xử theo quân pháp để trừ bỏ thói tệ, giữ nghiêm phép nước” (Đại Việt sử ký toàn thư – tập 4, tr. 283).

Lời tấu sớ của tiến sĩ Dương Trí Trạch được vua Lê Thần Tông nghe theo thực hiện, chấn chỉnh quan lại trong nước. Ngày nay, nội dung trong sớ của ông soạn tâu vua đã hơn 350 năm qua, mà những ý tưởng đề xuất vẫn nguyên giá trị nhân văn.

Vâng lệnh sưu tầm, tổng duyệt và nhuận sắc 25 bia tiến sĩ

Năm Tân Sửu (1661) ông Dương Trí Trạch được gia phong Thượng thư bộ Hộ, kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, chưởng Hàn lâm viện sự, Thiếu bảo. Khi chúa Trịnh Tráng cho phép truy dựng bia tiến sĩ đời Trung hưng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với quy mô 25 bia, tương ứng 25 khoa thi Hội, thi Đình. Tiến sĩ Lễ bộ Thượng thư Dương Trí Trạch có công rất lớn trong việc sưu tầm hồ sơ các khoa thi, tên tuổi, quê quán của người đỗ đại khoa, dày công khảo cứu và ghi chép, cung cấp danh sách các vị tiến sĩ, tổng duyệt và nhuận sắc hệ thống 25 bia tiến sĩ dựng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Khi công việc hoàn tất, ông được cất nhắc chức Tham tụng làm việc trong phủ chúa Trịnh, lại gia phong chức Thiếu bảo, Thượng thư bộ Lại, Quốc lão, Thái bảo. Khi chức tước cao tột bậc, ông được triều đình cho về quê nhà Bạt Trạc nghỉ ngơi, hưởng tuổi già. Tháng 7 năm Nhâm Dần (1662) tiến sĩ Bạt quận công Dương Trí Trạch qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, được triều đình tặng Thái tể.

Trong thời gian 43 năm kể từ khi ra làm quan cho đến khi mất, tiến sĩ Dương Trí Trạch có công lớn trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước nhằm ổn định chính trị trên nhiều lĩnh vực đối nội, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, khoa cử, được triều đình tin dùng, trọng vọng. Là một ông quan có tư tưởng tiến bộ, chăm lo đời sống của người dân với triết lý “lấy dân làm gốc”, “lật thuyền mới biết sức dân như nước”.

Nhà vua Lê Thần Tông đánh giá tài năng, đức độ của ông như sau: “Tứ thập niên lập triều, triều đình ý trọng/ Thất thập tuế trí sĩ, sĩ hoạn thành danh”. Nghĩa là: Bốn chục năm ở triều, triều đình trọng dụng/ Bảy chục tuổi về hưu, đỗ đạt làm quan đều nổi tiếng. Trải qua 40 năm làm quan, tiến sĩ Dương Trí Trạch là người thanh liêm, ngay thẳng, cương trực, luôn giữ nghiêm luật pháp nơi quan trường. Khi bàn việc dân việc nước thì nghiêm túc theo lẽ công bằng, người đời sau khen ông xứng đáng bậc công thần vì nước vì dân. Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá về ông Dương Trí Trạch trong bộ sử “Lịch triều Hiến chương loại chí”: “Ở triều hơn 40 năm, trải qua các chức vụ ở viện Khu mật đã lâu, tính thẳng thắn giữ luật pháp (của triều đình) không ai có thể thỉnh thác được, bàn việc gì tuy hơi nghiêm khắc nhưng theo lẽ công bằng giữ điều ngay thẳng, bấy giờ ai cũng khen là danh thần”.

Khi mất, ông được con cháu và nhân dân lập đền thờ tưởng nhớ công lao. Tại di tích Dương Trí Trạch còn lưu giữ được nhiều di sản, công trình chạm trổ, điêu khắc mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê. Đền thờ Bạt quận công Dương Trí Trạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại quyết định số 3085/QĐ/ BVHTTDL ngày 27/10/ 2020.

Nguồn: Laodong.vn