“Dưới khung trời ngát xanh” của nhà thơ Lữ Mai sẽ ra mắt trong tháng 8 này như một món quà dành tặng thế giới tuổi thơ đầy hồn nhiên và trong trẻo.
“Dưới trời khung trời ngát xanh” là tập truyện dài từ khi còn ở dạng bản thảo đã đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5.
Tập truyện có dung lượng 140 trang, chia thành 14 chương, tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của đám trẻ xóm Đồi, làng Ghe – nơi được núi sông bao bọc bốn phía.
Ký ức tuổi thơ ấy tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương, nên thơ và vô cùng đẹp đẽ. Ở đó, người đọc có thể hòa vào nhịp điệu hồn nhiên của tuổi thơ trong hành trình kỳ thú của trẻ làng trẻ xóm, từ nhỏ đã tự lập, đùm bọc, chia sẻ với nhau và với cộng đồng.
Song song với mạch truyện, tác giả Lữ Mai đã khắc họa được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống thôn dã với dòng sông uốn lượn, núi đồi bao phủ, ao chuôm, đồng bãi, mùa vụ… hòa quyện với nếp sống hiền hòa, mộc mạc, giàu bản sắc nông thôn.
Tác phẩm như một bức tranh ngập tràn màu xanh và nhiều chi tiết với đường đê, bờ ao, làn khói, hương đồi, côn trùng… được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ, trau chuốt.
Kết nối mạch truyện đó chính là giá trị tinh thần thể hiện qua sự gắn bó, yêu thương với đủ các cung bậc cảm xúc của con người, cảm động có, ly kỳ có và sâu xa, sâu nặng chơn nữa chính là sự kết nối, tri ân của thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ hào hùng của dân tộc, những anh hùng đã làm nên tên đất, tên làng.
“Dưới khung trời ngát xanh” không chỉ hướng đến đối tượng thiếu nhi mà đó còn như một phần những trang hồi ức của thế hệ cuối 8X và đầu 9X – cùng thời với tác giả và cả những con người yêu văn chương, yêu thiên nhiên, xúc động trước giá trị nhân văn sâu thẳm, muốn tìm về với khung cảnh nơi làng quê yên bình để làm dịu đi tâm hồn mình giữa xã hội ồn ào, náo động.
Nói về tác phẩm, tác giả Lữ Mai cho biết: “Tập truyện đong đầy ký ức tuổi thơ của tôi. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, tôi đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc.
Ngày còn bé, tôi luôn ghi lại những câu chuyện xung quanh gia đình, xóm làng, trường lớp của mình một cách tự nhiên nhất. Và rồi, tôi lớn lên, dần dần đã mất đi thói quen ấy, cũng làm thất lạc nhiều trang viết tuổi thơ”.
Là một tác phẩm văn học thiếu nhi nhưng tác giả không quên sự kết nối ký ức bởi “Chúng ta tiến đến tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ. Nhận thức và tri ân là điều cần thiết và phải hoàn toàn tự thân, tự nguyện.
Khi ta nghĩ về quá khứ, dù quá khứ đó đã rất xa, ta không nếm trải, thì chính chúng ta sẽ nhận được những giá trị vô cùng sâu sắc mà không dễ đo đếm, cắt nghĩa. Nó giúp cho mỗi bước đi, mỗi nghĩ suy của ta trở nên ý nghĩa hơn”.
Nguồn: Laodong.vn