Góc nhìn di sản của người Việt

Điện Thái Hòa ở kinh đô Huế, biệt thự Pháp ở địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và bây giờ là Chùa Cầu (Viễn Lai Kiều, cầu Nhật Bản) ở Hội An gây tranh cãi khi được trùng tu.

Góc nhìn di sản của người Việt
Biệt thự Pháp ở địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và Chùa Cầu (Viễn Lai Kiều, cầu Nhật Bản) ở Hội An. Ảnh: Hải Nguyễn/ Mai Thành Chương

Điều gì dẫn tới tranh cãi?

Khác với điện Thái Hòa hay Chùa Cầu với hàng trăm năm lịch sử, ngôi biệt thự số 49 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) – với khoảng hơn 100 năm tuổi đời và khởi thủy là nhà tư nhân – cũng đã gây bão tranh cãi trên truyền thông và mạng xã hội, với sự tham gia của mọi thành phần xã hội.

Cần nhớ rằng, đây mới chỉ là công trình tu sửa mẫu, để làm nền tảng cho việc tu sửa 91 căn biệt thự cũ khác được xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội theo quyết định số 1845/QĐ-UBND của Ủy ban nhân Dân thành phố Hà Nội, văn bản thay thế cho quyết định số 7177/QĐ-UBND ban hành ngày 28/11/2013.

Ngay từ khi công việc trùng tu chưa hoàn thiện, thế nhưng ở công trình chỉnh trang, tu bổ căn biệt thự số 49 đường Trần Hưng Đạo đã bị chê bai về màu sơn, về việc thay đổi cấu trúc bên ngoài. Căn biệt thự này được đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về bản chất, đây là biệt thự tư nhân xây để ở nên không có hồ sơ lưu trữ các công trình kiến trúc công. Trước khi tu bổ, căn biệt thự bị bỏ hoang trong thời gian dài nên nhiều hạng mục đã hư hại nghiêm trọng hoặc bị hỏng hoàn toàn.

Đến năm 2016, dự án trùng tư căn biệt thự bắt đầu được nghiên cứu, đánh giá thực trạng kết cấu, thám sát các lớp vật liệu gốc bởi sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile – de – France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile – de – France. Việc tu sửa được triển khai vào tháng 4.2022.

Quá trình trùng tư căn biệt thự đã được thực hiện nghiêm túc và kỹ lưỡng, tuy nhiên, nó đã bị chê bởi “nước sơn và và đỏ gạch lòe loẹt, không phù hợp, làm mất sự cổ kính của công trình” hay “các gờ mi cửa sổ dọc ống thang bị gỡ bỏ là mất kiến trúc nguyên bản”.

Đơn vị thực hiện việc trùng tu khẳng định rằng đã thám sát kỹ lưỡng các lớp vật liệu để tìm ra lớp vữa và màu sơn nguyên thủy bị chồng lấp; màu sơn và cách phối màu được hoàn nguyên đúng theo tấm ảnh màu chụp căn biệt thự năm 1915 của nhiếp ảnh gia Leon Busy.

Về việc gỡ bỏ các gờ mi cửa sổ dọc ống thang, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) cũng nói rằng “cấu trúc gờ mi đó là phái sinh sau này chứ không có trong kiến trúc của Pháp” thế nên tháo bỏ là quyết định hợp lý.

Màu sơn và diện mạo mới của tòa biệt thự này chính là nguyên nhân gây tranh cãi, dẫn đến luận điểm “trẻ hóa di tích, di sản”, hay “biến “di tích trăm năm thành 1 năm”. Nó giống hệt như mái ngói lưu ly vàng của mái điện Thái Hoà hay lớp sơn của Chùa Cầu hay những họa tiết trang trí trên nóc và những thanh gỗ mới ở lớp xà, dầm.

Có thể kết luận, nguyên nhân gây tranh cãi, phản đối hầu như nằm ỏ lớp vỏ của di tích, khi mà sự mới mẻ gây phản kháng với quan niệm cũ kỹ, rêu phong, đầy trầm tích chồng lấp. Đột nhiên một ngày, một hình ảnh cũ kỹ, quen thuộc biến mất, người ta cảm thấy “bức xúc, xót xa, và cần lên tiếng”.

Hệ quả của việc thiếu kiến thức nền và chuyên môn

Cách chúng ta nhìn nhận về di sản không dựa trên hiểu biết cơ bản về di sản và công việc trùng tu di sản, hai lĩnh vực đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành phải được đào tạo bài bản như lịch sử, kiến trúc, vật liệu, xây dựng, quy hoạch… là nguyên nhân cơ bản gây ra tranh cãi.

Cách nhìn một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử hay văn hóa của một người dân bình thường khác hoàn toàn cách nhìn của một kiến trúc sư xây dựng hay một chuyên gia bảo tồn, bảo tàng. Người không có chuyên môn chỉ thấy một di sản là đẹp và quý, nhưng không biết nó đẹp như thế nào, quý ra làm sao.

Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, không phải là một di tích hay có liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử nào. Tất nhiên, nó là bằng chứng vật chất cho giai đoạn người Pháp ở Hà Nội, giống như Chùa Cầu ở Hội An hay các khu hội quán Trung Hoa ở nhiều nơi.

Với đa số dư luận, đây chỉ là một niềm tự hào mơ hồ. Rất nhiều người Hà Nội đã đi ngang qua biệt thự Pháp hoang tàn đó hàng nghìn lần với sự thản nhiên và chỉ bắt đầu quan tâm, sôi sục khi nó được chỉnh trang. Ở nhiều biệt thự Pháp khác, người dân cư trú còn hủy hoại, làm biến dạng kiến trúc để phục vụ nhu cầu không gian.

Chùa Cầu và điện Thái Hòa hơi khác một chút, bởi chúng là công trình công cộng và là một kết cấu của cả quần thể lớn hơn là Kinh thành Huế và đô thị cổ Hội An. Song dù sao, chúng đều là đối tượng “bảo vệ” của một niềm tự hào mơ hồ của quần chúng, những người hầu như không có chức năng giữ gìn và bảo vệ.

Song, niềm tự hào mơ hồ nói trên chính là động cơ làm nảy sinh các cuộc tranh cãi liên quan đến việc trùng tu di tích lịch sử. Việc tham gia đóng góp ý kiến, phản biện và giám sát việc chỉnh trang, tu bổ, bảo tồn di sản của mọi thành phần xã hội là đáng quý và cần thiết, tuy nhiên, nó cần xuất phát từ thái độ tích cực và hiểu biết căn bản về di sản.

Nói một cách khách quan, có nhiều những ý kiến tranh luận về việc trùng tu các di sản, di tích này của những người nổi tiếng thu hút lượng quan tâm lớn trên mạng xã hội lại phản ánh một tâm lý nhược tiểu thường trực ở tầng lớp trí thức và bình dân trong xã hội.

Tâm lý nhược tiểu này nảy sinh từ sự tự ti trước kho tàng kiến trúc “tương đối nghèo nàn” của Việt Nam, vốn không tương xứng với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và đất nước. Chúng ta có rất ít những di sản kiến trúc xây dựng có thể khiến người Việt Nam tự hào khi ra quốc tế.

Thế nên, hệ thống kiến trúc Pháp và các công trình xây dựng thời kỳ thuộc dân như: Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, cầu Long Biên, Bắc bộ phủ ở Hà Nội; dấu vết đô thị quốc tế như Chùa Cầu, hội quán Phúc Kiến ở Hội An; Dinh Toàn quyền Đông Dương, Nhà thờ Đức Bà, các hội quán Trung Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm bấu víu khả dĩ cho niềm tự hào.

Thế nên, mọi biến động liên quan đến những di sản này đều khiến dư luận quan tâm một cách đặc biệt, và sẵn sàng tranh cãi để “bảo vệ vẻ đẹp xưa cũ” của di sản. Vô hình trung, phản ứng đó đã trở thành một phản xạ vô điều kiện của người dân, coi chúng thành tài sản bất khả xâm phạm.

Đặc biệt ở môi trường mạng xã hội, khi mọi ý kiến đều có thể biểu đạt một cách dễ dàng và vô trách nhiệm càng tiếp thêm nhiên liệu cho các cuộc tranh cãi vô bổ về mặt chuyên môn giữa phe ủng hộ và phe phản đối việc chỉnh trang, tu bổ, bảo tồn di sản.

Hệ quả là nhiều khi chính quyền và giới chuyên môn cũng “e ngại” trước làn sóng phản đối trên truyền thông và mạng xã hội nên cũng có hiện tượng làm việc theo kiểu “chạy theo dư luận” hay “đẽo cày giữa đường” đầy hoang mang và đề phòng.

Cần có một con mắt di sản chuẩn mực

Từ việc chỉnh trang, bảo tồn các công trình trước đó như quét vôi Nhà hát Lớn, tu sửa biệt thự Pháp, tôn tạo sửa chữa Chùa Cầu, trùng tu Nhà thờ Đức Bà hay khôi phục cầu Long Biên trong tương lai, chúng ta có thể thấy vấn đề gây tranh cái là công trình có được chỉnh trang, bảo tồn đúng nguyên bản hay không và có đẹp hay không?

Tuy nhiên, cho dù câu trả lời là đúng hay sai thì nó đều không phải cốt lõi và mục đích của việc bảo tồn di sản. Trong công tác bảo tồn di sản có nhiều loại hình bảo tồn như: Bảo tồn trạng thái nguyên trạng; bảo tồn quá trình tiến triển trong tương lai của di sản; trùng tu lại nguyên vẹn như ban đầu.

Chính vì thế, khi chỉnh trang, bảo tồn một di sản nào đó, giới chuyên môn phân biệt rõ ràng để truyền thông cho nhân dân hiểu mục đích bảo tồn di sản này thuộc loại nào, thế nên phương pháp tiến hành sẽ ra sao để mọi người không sửng sốt khi thấy một “Chùa Cầu mới tinh”.

Họ cũng cần có tư duy ứng xử với di sản thật linh hoạt biến đổi để phù hợp hơn với bối cảnh xung quanh mới, mà không làm mất đi những giá trị chính. Và trên hết, cần phải phân loại rõ ràng các nhóm di sản kiến trúc để định vị được các ứng xử với chúng một cách phù hợp

Chính vì thế, để phân loại hạng mục trùng tu, tôn tạo di tích và di sản, chúng ta cần có một con mắt di sản chuyên môn của giới khảo cổ học, sử học, kiến trúc sư và bảo tồn di sản.

Nguồn: Laodong.vn