Ngày 24.6 vừa qua, tập 1 bộ truyện tranh “Dấu Ấn Rồng Thiêng: Cuộc phiêu lưu của Dũng sĩ Dai” chính thức ra mắt. Ít ai biết rằng, để đưa được bộ truyện từng làm mê mẩn thế hệ 8x – 9x trở lại Việt Nam, NXB Kim Đồng mất tới 10 năm thương thảo bản quyền, hơn 1 năm sửa bản in cùng nhiều đòi hỏi khắt khe từ đối tác.
Anh Đặng Cao Cường – Trưởng ban Biên tập Truyện tranh NXB Kim Đồng – đã có những chia sẻ thú vị ở ấn bản “Dấu Ấn Rồng Thiêng” này.
Được biết, NXB Kim Đồng mất tới 10 năm thương thảo bản quyền để đưa bộ truyện “Dấu Ấn Rồng Thiêng: Cuộc phiêu lưu của Dũng sĩ Dai” về Việt Nam. Tại sao lại mất nhiều thời gian như thế, thưa anh?
– Shueisha – đơn vị sở hữu bản quyền bộ truyện “Dấu Ấn Rồng Thiêng” – là 1 trong 4 nhà xuất bản lớn ở Nhật Bản, sở hữu nhiều đầu truyện và tạp chí nổi tiếng như tạp chí Shonen Jump, nơi ra mắt nhiều bộ truyện có số lượng bán kỷ lục trên thế giới.
Năm 2007, NXB Kim Đồng chính thức ký kết biên bản hợp tác với Shueisha. Chúng tôi đã mua bản quyền và giới thiệu đến độc giả Việt Nam nhiều bộ truyện như “Dragon Ball” (7 Viên Ngọc Rồng), “One Piece”, “Naruto”, “Itto: Cơn lốc sân cỏ… Khi đó chúng tôi cũng đặt vấn đề mua bản quyền bộ “Dấu Ấn Rồng Thiêng: Cuộc phiêu lưu của Dũng sĩ Dai”, tuy nhiên đối tác chưa đồng ý.
Đến năm 2014, một lần nữa chúng tôi lại đặt vấn đề mua bản quyền bộ “Dấu Ấn Rồng Thiêng”. Phía Shueisha nói việc này rất khó vì bản quyền do nhiều đơn vị nắm giữ. Hệ thống nhân vật, tạo hình, phục trang, vũ khí, thế giới xuất phát từ game thuộc sở hữu của công ty Square Enix. Hai tác giả Riku Sanjo và Koji Inada dựa vào đó sáng tạo nên cốt truyện riêng.
Bất kỳ đơn vị nào muốn mua bản quyền sẽ phải trải qua quá trình xét duyệt nhiều khâu từ tất cả các chủ sở hữu bản quyền. Nếu thị trường nào có doanh số không đủ lớn để thỏa mãn tất cả các bên thì rất khó để họ đồng ý bán.
Tuy nhiên, năm 2020 tại Nhật Bản diễn ra chuỗi sự kiện kỷ niệm 28 năm lần đầu xuất bản bộ truyện “Dấu Ấn Rồng Thiêng: Cuộc phiêu lưu của Dũng sĩ Dai”. Họ muốn đưa tác phẩm vươn xa khỏi Nhật Bản nên việc thương thảo dễ dàng hơn. Do đó, lần này chúng tôi thương thảo bản quyền thành công bộ truyện này.
Bộ truyện “Dấu Ấn Rồng Thiêng” xuất bản lần này có gì đặc biệt về nội dung và hình thức?
– Ấn bản ra mắt tại Việt Nam lần này là bản mới nhất được sản xuất trong dịp kỷ niệm 28 năm. Họa sĩ đã vẽ bìa hoàn toàn mới, phân chia lại dung lượng từng tập để từ 37 tập truyện ở ấn bản đầu tiên năm 1989 rút xuống còn 25 tập, bên trong bổ sung các trang màu, từ điển thần chú… Điểm đặc biệt nữa là phần thiết kế gáy: Mỗi tập là một tranh nhỏ ghép lại với nhau thành bức tranh dài hoàn chỉnh tạo ấn tượng về vòng tuần hoàn liền mạch.
Làm xong 1 tập chúng tôi phải gửi sang Nhật Bản để từng chủ bản quyền duyệt, mỗi lần duyệt kéo dài gần 12 tháng. Họ mong muốn ấn bản tại bất kỳ thị trường nào phải có mức độ hoàn thiện y như bản gốc tại Nhật.
Theo anh yếu tố nào giúp nền truyện tranh Nhật Bản phát triển?
– Truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng bởi sự đa dạng và sâu sắc về nội dung. Các tác phẩm không chỉ giới hạn ở mục đích giải trí mà còn đi sâu vào những vấn đề xã hội, triết học và tâm lý học, truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc.
Theo tôi, yếu tố giúp nền truyện tranh Nhật Bản phát triển rực rỡ nằm ở sức sáng tạo không ngừng của các họa sĩ và biên kịch. Họ luôn tìm tòi sáng tạo đề tài mới, lứa họa sĩ trẻ không ngừng phấn đấu, phát triển kỹ năng và phong cách để sánh ngang các bậc tiền bối.
Những năm 1980 – 1990, truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng nhờ “Doraemon”, “Thám tử lừng danh Conan”, “7 Viên Ngọc Rồng”, “One Piece” thì ngày họ có rất nhiều series mới xuất sắc không kém như “Thanh Gươm Diệt Quỷ”, “Chú Thuật Hồi Chiến”, “Spy x Family”…
Cùng với đó là sự kết nối chặt chẽ giữa họa sĩ – nhà xuất bản với các đơn vị phát triển thương hiệu. Họ đặt truyện tranh trong một hệ sinh thái rộng mở, chuyển thể kịch bản truyện tranh gốc thành các loại hình khác như hoạt hình, tiểu thuyết, kịch nói, điện ảnh… Từ đó có thể thấy người Nhật giỏi như thế nào trong việc khai thác nguồn tài nguyên sẵn có.
Nền truyện tranh Việt Nam có thể học hỏi gì từ sự phát triển của ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản?
– Ngoài những kỹ năng về sản xuất như vẽ tranh hay sáng tác kịch bản, chúng ta có thể học hỏi bạn ở việc xây dựng những êkip chuyên nghiệp và gắn bó với nhau, cũng như có kế hoạch dài hạn cho tác phẩm ngay từ khi chỉ là ý tưởng.
Xu hướng phát triển hiện nay là đặt truyện tranh trong một hệ sinh thái gồm nhiều sản phẩm phái sinh khác, chúng ta có thể nghiên cứu học hỏi để làm cho tác phẩm lan tỏa ra cộng đồng mạnh mẽ hơn.
– Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Laodong.vn