Họa sĩ Lê Thiết Cương lần đầu khoe “Duyên” tại TPHCM

TPHCM – “Duyên” – triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Thiết Cương – mang đến nét giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống với tối giản đương đại.

Họa sĩ Lê Thiết Cương lần đầu khoe “Duyên” tại TPHCM
Họa sĩ Lê Thiết Cương lần đầu khoe “Duyên” tại TPHCM

Ngày 5.8, trả lời câu hỏi của chúng tôi, đặt tên triển lãm là “Duyên”, ý ông muốn nói đến mối lương duyên của chính mình với nghệ thuật hay ông muốn khoe nét duyên các tác phẩm của mình, Lê Thiết Cương ngay lập tức đáp, cứ đến xem triển lãm, ắt tự thấy và hiểu rõ.

1 góc triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Thùy Ân
1 góc triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Thùy Ân

Các tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương, dù là tranh sơn dầu hay tác phẩm điêu khắc đều cô đọng và súc tích. Sau hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản và để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn nghệ thuật, Lê Thiết Cương là cái tên không còn xa lạ trong giới mĩ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ông mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Duyên” tại TPHCM.

Khai mạc vào ngày 3.8 tại Nhà trưng bày triển lãm TPHCM (triển lãm diễn ra đến ngày 17.8), “Duyên” giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng – những tác phẩm đặc biệt nhất của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tác phẩm “Chuyện ghế 3(sắt hàn) - Hạt gạo (đá)“. Ảnh: Thùy Ân
Tác phẩm “Chuyện ghế 3 (sắt hàn) – Hạt gạo (đá)“. Ảnh: Thùy Ân
Tác phẩm “Chăn trâu(Gốm Mosaic)“. Ảnh: Thùy Ân
Tác phẩm “Chăn trâu (Gốm Mosaic)“. Ảnh: Thùy Ân

Đến với “Duyên”, công chúng không chỉ được thưởng thức các tác phẩm độc đáo và đầy tâm huyết của người họa sĩ tài hoa đất Hà Thành, mà còn hiểu được thêm, cảm nhận thêm sự trân trọng, biết ơn của họa sĩ đối với những con người đã nhân duyên nghệ thuật cho cái tên Lê Thiết Cương từ những buổi đầu tiên.

Sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, gốm mosaic, sắt uốn, tượng, bột màu vải màn bồi giấy dó,… các tác phẩm tại triển lãm mang đậm nét đặc trưng riêng biệt của họa sĩ Lê Thiết Cương, phản ánh sự tinh tế trong việc kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại.

Không những vậy, thông qua việc sử dụng các chất liệu rất đỗi dân gian như giấy dó, sơn mài truyền thống, gốm, tác giả vừa muốn mang đến nhiều điều thú vị, mới lạ cho người yêu nghệ thuật, đồng thời như muốn gửi gắm một đóng góp nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống Việt Nam đang dần mai một trong thời đại kỉ thuật số.

Với Lê Thiết Cương, để bảo tồn các truyền thống, phải thổi cái nét hiện đại vào trong những truyền thống ấy.

Người xem thưởng thức tranh
Người xem thưởng thức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Thùy Ân

Ngắm “Duyên”, khán giả được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, độc đáo. Điểm nhấn đặc biệt của triển lãm là bộ sưu tập “Kinh Phật viết trên gốm” – nơi thư pháp gặp gỡ nghệ thuật gốm trong một sự kết hợp táo bạo và đầy ý nghĩa.

Mỗi tác phẩm là một bài thơ thiền ngắn gọn nhưng sâu sắc, được viết tỉ mỉ trên những chiếc bình gốm, tạo nên một nét duyên tĩnh lặng, một không gian suy tư giữa nhịp sống thành phố đầy hối hả.

Điểm nhấn thứ hai của triển lãm là các tác phẩm sơn dầu vẽ “Mặt” của Lê Thiết Cương. Các tác phẩm vẽ “Mặt” hay “Người” của họa sĩ không quá cầu kì, mà chỉ là những nét rất đơn giản.

Với họa sĩ, mặt chính là tính “như nhất”, như miếng kính, miếng gỗ… Tuy có hai mặt trên dưới, nhưng vẫn là một khối liền mạch, không thể bóc tách ra được.

Còn các tác phẩm tranh sơn dầu tại triển lãm tuy chỉ mang một hoặc hai màu sắc cơ bản, thường là đối lập, nhưng cũng đủ gây thương nhớ cho người tham quan ở cái nét tĩnh lặng và yên bình…

Nguồn: Laodong.vn