Chỉ là một thoáng vu vơ bên vỉa hè. Gọi vu vơ một tiếng, nhìn vu vơ một vài muôi cháo sánh như hồ nhưng cũng không quá nặng sệt vào lòng tô nhỏ. Một làn khói nhẹ vu vơ bay lên, điểm mùi thơm của nếp, của đỗ xanh đã nhuyễn nhừ. Thả thêm một vài miếng đậu vàng ruộm điểm chút hành hoa và dăm quả cà muối. Thế là đã có đủ một miếng vu vơ giữa phố phường Hà Nội.
CŨNG LÀ MỘT MÓN ĂN CHƠI
Ở Hà Nội ấy, có những thứ ăn rất mơ hồ. Giữa hơn một trăm nghĩa của ăn, chợt nguỵ dị nổi lên những thứ ăn giả vờ. Ăn vặt, ăn vãnh, ăn chơi, ăn bời… ví dụ thế. Ấy cũng là ăn đó, nhưng đây là kiểu ăn của Hà Nội, thực bất đắc cầu no, mà chỉ ăn lấy hương, lấy hoa, lấy thơm, lấy thảo mà thôi.
Có quá nhiều thứ để ăn lãng đãng như thế trên những mảnh vỉa hè hẹp như tà áo, lúc lộ lộ giữa phố phường, khi lại ẩn mật trong một con con ngõ nhỏ lắt léo nắng xiên khoai. Khi tìm đến những thứ để ăn chơi đó, ấy là để chiều chuộng sở thích mượn cớ ngồi ăn để mà hưởng lấy nét thư nhàn trong không gian phố thị.
Nào khác gì chuồn chuồn điểm nước, một chấm nhỏ nhoi cũng đủ lan tỏa bao sóng ba đào. Một miếng ngon mi nhon cũng đủ gợi lên trập trùng cảm xúc về không gian, về thời gian, về sự thỏa mãn cá nhân cũng như niềm hạnh phúc trong mắt kẻ tương phùng đối diện.
Lối ăn đó, vô hình trung, đã tạo nên một cốt cách rất Hà Nội. Đơn sơ nhưng có lựa chọn kỹ càng, mộc mạc nhưng không kém phần phù phiếm, quý hồ tinh mà bất quý hồ đa, tầm thường nhưng lại đầy vẻ tinh tế, khó tính. Xem ra, một giọt nước mưa mà cũng có thể chứa đựng 8 vạn thế giới, không phải là xảo ngôn, lộng ngữ.
Trên bàn tay thơm của người Hà Nội, vào một sáng, một trưa, một xế chiều nào đó, là một chiếc bát xinh xinh. Bát chiết yêu bún ốc nguội, lơ thơ vài con ốc, mảnh khảnh dăm vảy bún hến, cũng thành bữa. Lại có thứ bát bé như hoa hồng đựng chút riêu cua chưng để chấm vài miếng bánh đúc lạc đổ đồng xu cũng màu mè ra tấm, ra miếng.
Cũng bàn tay thơm đó, đôi khi chỉ là một nhúm cốm lá me của làng Vòng để chấm quả chuối trứng cuốc. Hoặc một bát nộm đu đủ nhỏ nhắn mà chứa đủ mỹ vị nhân gian chua, cay, bùi, giòn, the, mát. Cứ mùa nào lại có thức ăn chơi của mùa đó, vòng quanh tứ thời, bát tiết nhẹ như không.
Như những ngày đầu hè này, khi những cơn mưa rào thình lình đổ xuống làm bay hơi cơn nóng đến chảy đá, tan vàng chốn thị thành, còn gì bằng ngồi dưới một mái che xem giọt gianh rơi như nhả ngọc, làm toát lên vị mát lành của cơn mưa. Và rồi, vu vơ gọi lấy một bát cháo đậu cà để nhẩn nha thấu đáo cuộc chơi mưa.
Rất nhanh thôi, một bát cháo cầm chẳng nặng tay, hơi ấm vừa đủ, được trao tay người. Bát cháo giản đơn như nước mưa đun trong nồi cùng gạo nếp, đỗ xanh cùng chút muối vậy. Không có thêm gì khác, mà cũng chẳng cần gì khác, tựa như vẽ rồng không cần vẽ cánh vậy.
Ấy thế mà bát cháo ấy lại có sức quyến rũ kinh người. Trong lớp hồ sanh sánh, những hạt gạo được bung nở như những bông hoa, tỏa một hương thơm rất nhẹ của gạo mới. Đỗ xanh được ninh mềm tơi, chẳng còn hình hài, đã biến bản thể thành chất dịch li ti, đem lại màu sắc cho bát cháo.
Thứ hồ ấy ăn kèm với đậu Mơ rán giòn, nóng hổi, óc đậu bên trong vừa nóng bỏng lưỡi, vừa mềm, vừa bùi thì tuyệt thú. Lại thêm dăm quả cà mằn mặn, cắn giòn tan, khiến cho miếng cháo vui vẻ hẳn lên quả là hợp lắm. Chợt cất lời khen cho ai nghĩ ra món cháo này, vốn dĩ tầm thường như hồng trần mà đi với nhau lại hợp thế không biết.
MIẾNG NGON TRÊN VỈA HÈ
Ai đã nghĩ ra cháo đậu cà? Chẳng biết, bởi nó cứ tự vu vơ mà thành, hội đủ duyên của những nguyên liệu tầm thường mà hoài thai. Nhưng chắc chắn, nó là một món ăn chơi bời của người Hà Nội. Nó xuất hiện trên vỉa hè, ăn sâu vào dĩ vãng ấu thơ của đám trẻ “phố Hàng” về một bát cháo giữa mùa hè.
Hà Nội mùa hè nóng lắm, người ta ít ăn cháo, bởi cháo cũng nóng, nên mới “công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh” cho khỏi gấp gáp và bị bỏng miệng. Thế nhưng, bát cháo đậu cà lại hợp để ăn vào mùa hè, vì thứ cháo ấy mát và nhẹ, cũng tựa như bún ốc nguội vậy.
Vào một ngày hè nóng nực, vừa đẫy cơn nồng quá trưa, nhỏm dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy nắng vẫn còn chói chang, cây cối đứng im lìm vì không có lấy một ngọn gió, họ mới cảm thấy mồm miệng nhàn nhạt thèm thèm một thứ gì thật bâng khuâng khó nói rõ thành lời.
Những lúc ấy sướng nhất khi mở lồng bàn trên bàn ăn ra, thấy có bát cháo đậu xanh, bát cà pháo nén và đĩa đậu rán tẩm hành mẹ đặt sẵn đấy từ lúc nào. Chắc là lúc bọn con trẻ còn mê mệt trong giấc ngủ trưa thì mẹ đã nấu và để sẵn đấy, để người nhà có cái mà ăn.
Trời nóng nực, oi ả, thế mà húp một thìa cháo dẻo sánh, thơm mùi gạo nếp, bùi vị đỗ xanh thấy sướng vô cùng. Cắn thêm một miếng đậu Mơ rán khéo, vừa vàng ruộm mà không cháy, vỏ giòn nhưng óc vẫn mềm tươi, ngát mùi hành hoa vừa độ tái, rồi ăn kèm cùng miếng cà pháo nén giòn tan, mằn mặn thì đúng là chẳng gì ngon bằng.
Chỉ nhoắng cái, trên bàn đã sạch bong, chỉ còn niềm hạnh phúc, thỏa mãn long lanh đọng trong mắt trẻ. Cái bát cháo đậu cà mẹ nấu năm xưa, cái bát cháo đậu cà ngồi ăn trên hàng phố bây giờ, chung thân chẳng đổi giọng, thế nhưng, ăn lúc nào cũng rưng rưng niềm sung sướng.
Xét cho cùng, đây chỉ là một món ăn hết sức giản dị nhưng các bà nội trợ Hà Nội đã biến nó thành một thức quà chiều mang đầy phong vị Tràng An. Nó khiến cho những người phải “xa Hà Nội, năm lên mười tám, khi vừa biết yêu” phải quằn quặn nhớ nhung trong một chiều oi ả hay mưa rào trắng phố.
Chỉ là gạo nếp, đỗ xanh, cà muối, đậu phụ, hành hoa nơi nào chả có, thế nhưng cháo đậu cà lại là một món rất Hà Nội, ít thấy ngoài không gian Hà Nội. Bởi vì nó được chế biến rất tinh tế từ bàn tay của các bà nội trợ hết lòng vì chồng con nên đã trút cả cái tấm lòng yêu thương ấy vào từng miếng ăn, hớp uống.
Ở tinh thần đó, không vì giọt nước mà tầm thường, không vì dân dã mà kém phần mỹ vị. Thế nên, sự dụng tâm trong việc lựa chọn tỉ mỉ nguyên liệu, cách thức chế biến, công đoạn phối hợp và trình bày đã khiến một bát cháo thành một món cũng có thể kiêu hãnh đãi khách.
Đậu rán phải là đậu làng Mơ và phải rán đúng kiểu tẩm hành của Hà Nội. Chảo rán đậu Mơ phải đổ ngập dầu để miếng đậu tự do lặn ngụp trong dầu nóng mới nở, mới vàng ruộm và giòn. Đậu rán đến độ được là phải gắp ra, thả luôn vào bát nước mắm ngon đã thái sẵn hành rồi gắp cả đậu cả hành ra luôn.
Sức nóng của miếng đậu sẽ hút nước mắm vào lớp bề mặt, và làm tái lá hành vừa đủ độ hết hăng mà vẫn xanh mướt. Miếng đậu chỉ “lướt” bát nước mắm như thế để vẫn giữ được độ giòn, và không bị mềm ỉu. Hành lá cũng phải thứ được trồng ở làng Láng, có dọc hành nhỏ và đanh, mùi hăng nhẹ nhưng không hắc, màu xanh thẫm.
Còn cà để ăn cùng cháo đậu phải là loại cà pháo được muối nén trong vại sành, khi cắn kêu giòn như pháo nổ, chứ không dùng loại cà muối xổi hay cà bát. Muối và trọng lượng nén sẽ khiến quả cà khi có âm thanh trên, đồng thời vị mặn rất duyên với bát cháo nhạt.
Nhìn ở tổng thể, bát cháo đậu cà có màu sắc rất nhẹ nhõm và ưa mắt. Nó khiến người ta cảm thấy ngon ngay từ khi mới chỉ nhìn và ngửi. Bát cháo màu vàng nhẹ, bập bềnh những hạt gạo màu trắng đục. Nổi hơn cả là những khẩu đậu vàng ruộm, lấm tấm sắc xanh của hành hoa, cùng với màu vàng ngà của cà nén.
Trông từng thứ đơn giản nhưng đặt cạnh nhau thì lại đẹp như một bức tranh. Thế mới xứng đáng là quà vỉa hè của Hà Nội chứ!
Nguồn: Laodong.vn