Ngẫm về chuyện sống xanh, bảo vệ môi trường qua sách “Địa cầu không sự sống”

“Địa cầu không sự sống” là cuốn sách của tác giả David Wallace – Wells, do dịch giả Phạm Miên Vũ biên soạn, được nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cuốn sách giúp độc giả hiểu thêm về những vấn đề nóng lên toàn cầu cũng như ý thức bảo vệ môi trường, cuộc sống xanh.

Ngẫm về chuyện sống xanh, bảo vệ môi trường qua sách "Địa cầu không sự sống"
Cuốn sách “Địa cầu không sự sống”. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp

“Nóng lên toàn cầu” là vấn đề đã được các nhà khoa học và các quốc gia quan tâm từ lâu.

Sách “Địa cầu không sự sống” trình bày các vấn đề xảy ra xoay quanh việc trái đất nóng lên như lũ lụt, cháy rừng, nạn đói, hạn hán, tan băng… cũng như đưa ra các số liệu dự đoán cho từng vấn nạn ở từng khu vực khi nhiệt độ tăng lên.

Cuốn sách là lời cảnh báo gửi đến tất cả mọi người, cũng là một thông điệp cho nhân loại, rằng nếu không ra sức thay đổi, sẽ đến lúc trái đất là nơi “không thể sống” được nữa.

Cuốn sách là phần trình bày của các nhà khoa học đầu tiên đưa ra lý thuyết, sau đó ghi lại sự nóng lên của hành tinh, rồi bắt đầu kiểm tra và giải thích ý nghĩa của sự nóng lên đó cho những người còn lại trong chúng ta, những người đang sống bên trong nó.

Công lao đó xuất phát từ các nhà khoa học Eunice Foote và John Tyndall vào thế kỷ 19 đến nhà khoa học Roger Revelle và Charles David Keeling trong thế kỷ 20, cho đến hàng trăm nhà khoa học khác có thành quả lao động xuất hiện trong phần cuối của cuốn sách này.

Dù đạt được bao nhiêu tiến bộ trong việc chống lại cuộc tấn công của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới, như tác giả nhận định, đều nhờ vào công lao và sự tiên phong của họ.

Tác giả trải qua hai năm đắm mình trong ngành khoa học khí hậu. Khi viết những trang cuối cùng, tác giả đủ kiến thức để biết rằng, rất ít khả năng khủng hoảng khí hậu được giải quyết sau một cuộc chạm trán thực sự với mức độ kinh hoàng ngày càng gia tăng của nó. Nhưng ông vẫn nói tới giấc mơ về viễn cảnh thực sự bao quát, mang tính toàn cầu, thậm chí là vũ trụ, về số phận của địa cầu cùng những kẻ mang hy vọng sống được trên đó.

Ông nghiêm túc viện dẫn khả năng rằng, nếu chọn cách nhìn đó về khí hậu, chúng ta vẫn có thể đảm bảo một tương lai dễ sống, đầy đủ, công bằng, và thịnh vượng cho thế giới này – ít nhất là tương đối dễ sống, tương đối đầy đủ, tương đối công bằng, và tương đối thịnh vượng…

Không thể phủ nhận rằng, biến đổi khí hậu là câu chuyện chúng ta đều có liên quan, đe dọa làm biến dạng cuộc sống của tất cả nếu như chúng ta không thay đổi hướng đi.

“Cuốn sách hấp dẫn, đáng sợ, dữ dội này có thể là bản tường thuật bao trùm nhất về cách mà hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ thay đổi mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Việc đọc sách rất cần thiết cho thế giới ngày càng xa lạ và khó đoán này” – Amitav Ghosh, tác giả tiểu thuyết “Flood of Fire” (tiếng Việt: Lũ lửa) nhận xét.

“David Wallace-Wells lập luận rằng, các tác động của biến đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì hầu hết mọi người nhận thấy, và ông ấy đúng. “Địa cầu không sự sống” là một tác phẩm hợp thời và đầy kích thích” – Elizabeth Kolbert, tác giả cuốn “The Sixtfl Extinction” (Tiếng Việt: Đợt tuyệt chủng thứ sáu) đánh giá.

David Wallace-Wells là thành viên của Quỹ New America, một nhà bình luận, và là Phó Tổng Biên tập Tạp chí The Paris Review. Ông sống ở thành phố New York (Mỹ).

Nguồn: Laodong.vn