Nghệ thuật công cộng thường được đặt bên ngoài các bảo tàng và gallery, hướng tới khả năng tiếp cận miễn phí của bất kỳ cá nhân nào nhằm mục đích nâng cao thị hiếu thưởng thức nghệ thuật công chúng. Nhưng chính vì thế cần phải quy hoạch thận trọng nhằm đảm bảo trật tự không gian công cộng.
Nở rộ dự án nghệ thuật công cộng tại Việt Nam
Ba năm sau ngày nhà thiết kế Diego Chula mất, dấu ấn của ông vẫn hiện hữu ở không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Năm 2020, Diego cùng những người bạn là họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã biến một khu vực tập kết phế thải ven sông Hồng thành con đường nghệ thuật độc đáo.
Cá nhân Diego thực hiện tác phẩm “Rồng của dòng sông” là tổ hợp sắp đặt gồm những chiếc lồng gà nhiều màu sắc, tạo thành lồng đèn chiếu sáng hình vẽ rồng trên tường, hậu cảnh là cầu Long Biên xếp từ mảnh gương vỡ.
Dự án của Diego và những người bạn đã góp phần cải tạo cảnh quan, chuyển biến diện mạo một con phố Hà Nội, truyền cảm hứng lớn trong cộng đồng. Dự án đã được trao giải “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2020”. Đây là một trong những công trình nghệ thuật công cộng tiêu biểu ở Hà Nội.
Ngoài ra có thể kể đến Con đường gốm sứ, Phố bích họa Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật Manzi, Six Space, Á Space…
Ở TPHCM thì có hai khu 3A Alternative Art Area và Zero Station đều là những nhà kho cũ được trang trí bằng nghệ thuật tranh tường graffiti thành những không gian văn hóa sáng tạo, không gian Sài Gòn Outcast ở Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền hay khu phức hợp tổ chức sự kiện Zero Station ở đường 43, Lâm Văn Bến, Quận 7.
Những không gian nghệ thuật công cộng như thế không chỉ cải thiện cảnh quan đô thị mà còn mang lại giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tạo sức hút cho du lịch…
Nâng cao thị hiếu thưởng thực nghệ thuật công chúng
Theo PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trên thế giới các công trình nghệ thuật công cộng đã xuất hiện từ thời cổ đại, góp phần định hình bản sắc cho một thành phố, quốc gia, khu vực.
“Đền Parthenon được xây dựng từ khoảng những năm 447 – 422 Trước Công nguyên ở Athens, Hy Lạp nhằm mục đích thể hiện sự uy quyền của Hoàng đế La Mã.
Tại Italy trong thời kỳ Phục Hưng, các bức bích họa ở Nhà nguyện Scrovegni (Padua), bức tượng đồng David của Donatello, các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của Michelangelo… được xây dựng để truyền tải thông điệp của Giáo hội Công giáo”.
“Ở Mỹ có những kiệt tác kiến trúc công cộng như Tòa nhà Quốc hội, Viện Smithsonian ở Washington D.C, Nhà thờ St.Patrick New York, Tượng Nữ thần Tự do…
Ở châu Âu, nghệ thuật công cộng được minh họa bằng hàng loạt công trình kiến trúc như Phòng trưng bày Quốc gia Tân Cổ điển London; Tòa nhà Quốc hội Vương quốc Anh, Nhà hát Opera Paris, Tháp Eiffel…” – PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương cho biết.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, người hoạt động năng nổ trong các dự án nghệ thuật công cộng cho biết, quan điểm phổ biến trong giai đoạn hiện nay xem nghệ thuật công cộng hướng tới phục vụ dân sinh nhằm nâng cao thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho cộng đồng.
Nhận định về nghệ thuật công cộng ở Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì việc quy hoạch là rất cần thiết nhằm bảo đảm trật tự không gian công cộng, có như thế nghệ thuật mới đem lại giá trị to lớn, góp phần kiến tạo môi trường sống tốt đẹp cho cộng đồng dân cư và khách tham quan du lịch.
Nguồn: Laodong.vn