Cuốn sách “Tang lễ của người An Nam” là công trình nghiên cứu cơ bản về tập tục tang lễ của người Việt vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Có rất nhiều công trình nghiên cứu những chủ đề về “sự sống”, nhưng công trình khảo cứu về “sự chết” lại không có nhiều, đặc biệt là những nghiên cứu công phu tỉ mỉ và có khả năng tái hiện những tập tục xưa một cách chân thực.
Cuốn sách “Tang lễ của người An Nam” của nhà xuất bản Thế giới, do Nhã Nam phát hành vào tháng 9.2023. Sách đi sâu vào nghiên cứu và tái hiện tập tục tang lễ của người An Nam, họa lại bức tranh toàn diện và vô cùng sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thông qua góc nhìn của Gustave Dumoutier, một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.
Học giả Gustave Dumoutier có tham khảo thêm nhiều sách cổ được ấn loát thời Nguyễn có liên quan, đặc biệt là sách khoa cúng, có ghi chép đầy đủ các bài văn khấn Phạn – Hán, các hình vẽ bùa chú, dùng trong từng trường hợp tang ma, điều mà ông không thể làm trọn vẹn khi đứng trong một tang lễ thực sự.
Sách không ghi chép toàn bộ chương trình tang lễ mà chọn lọc để đi sâu vào một số bước quan trọng như: tống chung, kết hồn bạch, khâm liệm, thành phục, tục cúng và trấn yểm bất đắc kỳ tử, lễ an táng, cỗ tang, lăng mộ, tục thờ cúng tổ tiên và thuyết luân hồi…
Những tập tục trong tang lễ xưa mà người Việt vẫn còn giữ đến tận ngày nay có thể kể đến là các nghi lễ liệm, an táng, chôn cất, các mâm cỗ tang, tục cải táng… Cuốn sách có phần giải thích về quan niệm cũng như ý nghĩa của các nghi lễ quan trọng này.
Không dùng lăng kính của một người phương Tây theo tôn giáo nhất thần, học giả Gustave Dumoutier cũng có những quan sát sâu xa hơn và nhận định sự phức tạp của đời sống văn hóa tâm linh ở Việt Nam như một khu rừng thiêng.
Tác phẩm của ông với những ghi chép tỉ mỉ, lý giải từng khái niệm và quan trọng là thực chứng, vì thế có giá trị rất đương thời, là một tài liệu quý trong việc nhìn lại văn hoá truyền thống.
Tập khảo cứu được chia làm nhiều phần. Phần đầu tiên nói về các nghi thức trước và sau khi có người mất.
Các bài kinh; thần chú; phó chúc được đọc trước và trong nghi thức tang lễ; các loại bùa mai táng và ý nghĩa; các nghi thức cần thực hiện; các nghi lễ để tiến hành chôn cất; thuật phong thủy trong việc làm mộ phần và buổi tang lễ.
Phần thứ hai tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi. Trong phần này, tác giả tái hiện tín ngưỡng cổ truyền về linh hồn sau cái chết, 10 tầng địa ngục và luân hồi.
Cuối cùng là phần phụ lục với những thông tin phong phú về tang phục, danh mục thuật ngữ và phụ lục ảnh để độc giả có thể nghiên cứu sâu thêm.
“Tang lễ của người An Nam” được đánh giá là cuốn sách có giá trị, đáng đọc khi lưu dấu lại những nghi thức của hành trình cuối cùng trong cuộc đời một con người.
Nguồn: Laodong.vn