Là bản làm lại của phim Hàn Quốc – “Bí mật kinh hoàng”, phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay” có nhiều tình tiết thay đổi, song lại chưa hợp lí.
8 tập phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay” đã lên sóng và vẫn giữ cốt truyện chính giống như bản gốc của Hàn Quốc.
Dù biên kịch có xây dựng thêm một số nhân vật mới, cũng như thay đổi các tình tiết để phù hợp hơn với bối cảnh và thời đại Việt Nam, song vẫn còn nhiều điều chưa hợp lí.
Em trai nhưng không tin chị gái
Trong phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay”, vai cảnh sát Thiên Phong (Trương Minh Thảo) – em trai nữ chính Thiên Ân (Thúy Ngân) là nhân vật hoàn toàn mới.
Do nữ chính của phim được xây dựng là người hiền lành, tốt bụng, luôn sẵn sàng làm tất cả mọi điều vì người mình yêu. Thế nên, với vụ tai nạn xe gây chết người, cô không mảy may nghi ngờ mà sẵn sàng đứng ra nhận tội thay bạn trai.
Vì ở bản Hàn, nữ chính là con một, bố lại đổ bệnh sau khi cô bị bắt. Thế nên khán giả Việt đã đặt nhiều kì vọng vào Thiên Phong – nhân tố sẽ giúp Thiên Ân tìm ra chân tướng vụ việc.
Tuy nhiên, cậu em trai mà nữ chính hết mực thương yêu lại có cách hành xử khó hiểu. Ngay từ ban đầu khi biết chiếc xe của chị gái gây ra tai nạn chết người, Phong có hành động trái luật khi đến gặp Tuấn Kiệt (Jun Phạm) – bạn trai Ân để chất vấn.
Ban đầu, Phong cho rằng, Kiệt mới chính là người cầm lái. Tuy nhiên, khi mới nghe được thông tin Ân lái xe một mình, Phong chưa một lần hỏi chị gái về sự việc đã xảy ra mà đã tin rằng, cô là thủ phạm, và cần phải sớm ra đầu thú.
Sau đó, tại đồn cảnh sát, dù Ân nhiều lần phủ nhận, cùng việc chưa có nhiều bằng chứng chứng minh cô là hung thủ trong vụ án của Quỳnh Châu (Jun Vũ), Phong cũng chưa một lần tin lời chị gái.
Để tránh vụ án của chị gái làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, Phong nhận nhiệm vụ làm cảnh sát nằm vùng và tạm thời cắt liên lạc với gia đình.
Ở diễn biến gần nhất, khi Ân ra tòa và nhận án phạt tù 7 năm, Phong âm thầm xuất hiện và chỉ trách móc Kiệt, vì sao anh rể tương lai không làm luật sư bào chữa cho chị gái của mình mà lại là bên phía bị hại.
Cùng với đó, khi biết tin bố mình bệnh nặng, phải nằm viện, Phong cũng quyết định đến trại giam thăm Ân. Tuy nhiên, lần gặp gỡ này với mục đích để cắt đứt toàn bộ mối liên quan giữa 2 chị em. Phong thậm chí còn yêu cầu chị gái không được tìm gặp bố mình sau khi ra tù.
Sau đó, khi Ân sống chật vật trong tù, cố gắng gọi điện hỏi Phong thăm tình hình của bố. Tuy nhiên, ngay khi biết cuộc gọi đến từ trại giam, Phong đã dập máy, ném điện thoại vào tường. Phân cảnh này gây tranh cãi.
Bố nữ chính quá tin người
So với bản gốc, ở bản Việt, bố nữ chính – ông Dũng (NSND Thanh Nam) đã sớm nhớ ra việc Kiệt mới là người cầm lái chiếc xe ô tô vào ngày xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, thay vì tiết lộ thông tin này cho cậu con trai đang làm cảnh sát, hay trực tiếp đi trình báo, ông Dũng lại nói lại vấn đề này với Kiệt, và bị bạn trai của con gái đẩy ngã suýt chết với mục đích bịt đầu mối.
Trước đó, tình tiết ông Dũng không chút nghi ngờ mà tin lời ông Long (Trung Dũng) – bố Kiệt để đi cắm sổ đỏ lấy tiền để lo cho con gái được tại ngoại cũng thiếu tính thuyết phục.
Trong khi đó, ở bản Hàn, biên kịch xây dựng tình tiết này chặt chẽ hơn. Bố nữ chính sớm đổ bệnh khi con gái bị bắt giam, ngồi tù. Sau khi cô ra tù, trong một lần đi lạc và được bạn trai con gái tìm thấy, ông mới tiết lộ chuyện quá khứ và bị cậu ta hại chết.
Không chỉ vậy, tình tiết Thiên Ân dễ dàng tin vào một cuộc gọi bố bị mất tích thay vì đến bệnh viện kiểm tra ngọn ngành, hay việc cô đi nhờ xe người lạ, uống nước rồi bị chuốc thuốc mê… dẫn đến việc mất tích, bị cảnh sát truy nã cũng bị chê bất hợp lí.
Nguồn: Laodong.vn