Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội cần có trọng điểm

Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, cũng đã ban hành nhiều chính sách, quyết định, tổ chức nhiều hoạt động trên thực tế để thực thi việc này. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội cần có trọng điểm
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 gây ấn tượng khi tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Ban tổ chức

Hồi sinh mảng sản xuất phim

Giữa tháng 7.2024, Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội (thuộc Đài PTTH Hà Nội) công bố sản xuất dự án phim đặc biệt “Vì tình yêu Hà Nội” gồm 2 phim truyền hình, một phim có tựa đề “Hà Nội trong mắt em” (đạo diễn Đào Thanh Hưng) thuộc thể loại tâm lý xã hội là câu chuyện về 5 cô gái đại diện cho 5 tính cách khác nhau nhưng cùng chung tình yêu Hà Nội; phim còn lại có tựa đề “Mật lệnh Hoa Sữa” (đạo diễn Nguyễn Tất Kiên) thuộc thể loại trinh thám hình sự kể về công cuộc phòng, chống tội phạm của các chiến sĩ công an Thủ đô.

Ông Nguyễn Kim Khiêm – Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PTTH Hà Nội – phát biểu khi trao quyết định thành lập đoàn phim: “Hà Nội là nguồn cảm hứng của rất nhiều loại hình nghệ thuật: Âm nhạc, điện ảnh, thi ca… Vậy thì Đài PTTH Hà Nội – một phần trong các thiết chế văn hóa của Thủ đô – không có lý do gì lại không trở thành một phần trong sự phát triển của văn hóa Hà Nội, không có lý do gì để không sáng tạo, sản xuất các nội dung đóng góp vào sự phát triển của công nghệ Điện ảnh Hà Nội”.

Sự kiện này đánh dấu sự hồi sinh của lĩnh vực sản xuất phim truyền hình trên địa bàn Thủ đô. Những năm 90 của thế kỷ XX, Đài PTTH Hà Nội khá nổi tiếng với mảng phim. Nhiều bộ phim truyền hình được đơn vị này sản xuất như “Sông Hồng reo”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Sóng ở đáy sông” hoặc mua bản quyền như “Bao Thanh Thiên” tạo hiệu ứng tích cực với công chúng.

Quá nhiều lợi thế, ngành nào cũng muốn phát triển

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa: Hệ thống di tích, di sản, làng nghề truyền thống, ẩm thực đa dạng để phát triển du lịch văn hóa; năm 2019 Hà Nội chính thức tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực thiết kế, từ đó hàng loạt di sản công nghiệp là những nhà máy cũ trở thành địa điểm văn hóa hấp dẫn; lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều sự kiện nổi bật.

Nhưng cũng chính vì có nhiều lợi thế nên việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô thời gian qua hơi dàn trải, dẫn đến thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hà Nội muốn phát triển lĩnh vực thiết kế sáng tạo và đã đầu tư mạnh mẽ. Hà Nội muốn phát triển du lịch văn hóa, ẩm thực và tới đây lại cả mảng phim điện ảnh và truyền hình.

Tham chiếu bài học kinh nghiệm của một số quốc gia khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển ở khu vực châu Á, chúng ta thấy rõ có sự phân bổ tương đối rõ ràng. Nền công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc rất phát triển, tập trung chủ yếu ở thành phố Busan, nơi có một liên hoan phim lâu đời và danh tiếng, có những trung tâm đào tạo nghề dày đặc.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn – người từng tu nghiệp 6 tháng ở Busan – cho biết: “Busan không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng mà còn có sẵn mọi sự hỗ trợ về nhân lực, mạng lưới quan hệ cần thiết để làm ra một bộ phim. Theo quan sát của tôi, nhiều nhà biên kịch, đạo diễn… ở khắp Hàn Quốc và một số nước châu Á khác đều tụ về Busan hành nghề”.

Trong khi phát triển dàn trải thì người ta lại chưa thấy được sự liên kết hỗ trợ nhau giữa các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô như tinh thần của Nghị quyết 09 “phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Cũng lại tham chiếu sang bài học của Hàn Quốc, ngành sản xuất phim truyền hình của họ thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của nhiều ngành như du lịch, hóa mỹ phẩm, một số ngành công nghiệp như sản xuất ôtô, điện thoại…

Cũng theo Nghị quyết 09, mục tiêu cụ thể của Hà Nội là tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa có sẵn lợi thế như: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí; đồng thời quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản; Thời trang… có thể thấy rõ ưu tiên của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Muốn phát triển hiệu quả công nghiệp văn hóa cần đầu tư có trọng điểm, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu thế mạnh của mình.

Nguồn: Laodong.vn