Sông Đông êm đềm – Tác phẩm kỳ vĩ của văn học Nga

Dù đã gần một thế kỷ từ khi những trang viết đầu tiên được ra mắt, “Sông Đông êm đềm” vẫn ghi dấu ấn như một bản hùng ca bất hủ về chiến tranh, tình yêu và số phận con người.

Trên dòng chảy mênh mông của văn học Nga, bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của Mikhail Sholokhov ghi dấu như một tác phẩm bất hủ.

Cho đến nay, “Sông Đông êm đềm” vẫn được coi là một thước phim sống động về nước Nga trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, từ năm 1912 đến 1922.

Lớn lên trong biến thiên của lịch sử dân tộc, Mikhail Sholokhov trở thành nhân chứng sống, ghi lại tất cả những biến động của quê hương đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn mình.

Chính nguồn cảm hứng sâu sắc này đã đưa cuộc sống của người dân Kozak vùng sông Đông trở thành trung tâm của tác phẩm.

Bìa sách “Sông Đông êm đềm” bản dịch Việt. Ảnh: NXB Văn học

Trong suốt 4 phần, “Sông Đông êm đềm” theo chân Gregori Melekhov, một chàng trai Cossack trẻ tuổi với bản tính mạnh mẽ, chính trực, yêu quê hương và gia đình.

Số phận Gregori gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc, ở đó, anh phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, day dứt giữa lòng yêu nước, tình yêu gia đình và niềm tin vào những giá trị truyền thống.

Giữa bão tố chiến tranh loạn lạc, Gregori – giống như những chàng trai trẻ khác – bị cuốn vào vòng xoáy của Cách mạng Tháng Mười Nga và cuộc Nội chiến, luân phiên chiến đấu cho cả hai phe “Đỏ” (Hồng quân) và “Trắng” (Vệ binh Trắng).

Chàng trai trẻ tận mắt chứng kiến những mất mát thảm khốc, sự tàn phá kinh hoàng mà chiến tranh gây ra, cùng với đó là sự tan vỡ của những mối quan hệ mà anh từng gắn bó.

Mang trong mình tâm lý chán ghét chiến tranh, không hiểu rõ mục đích của những cuộc tàn sát, Gregori vẫn buộc phải phiêu bạt khắp các chiến trường, xông pha vào những trận đánh đẫm máu trên lưng ngựa Cossack.

Tác phẩm khép lại với hình ảnh mang tính biểu tượng: Gregori ném bỏ vũ khí xuống dòng sông Đông như một lời tuyên bố giã từ chiến tranh. Trở về quê hương bên bờ sông Đông, anh gặp lại con trai – người thân duy nhất còn lại trên đời và hình ảnh cuối cùng của tác phẩm là cảnh Gregori bồng con trở về nhà.

Tình yêu của Gregori và Aksinia trong tác phẩm. Ảnh: Rustih Ru

Bên cạnh hình tượng trung tâm là nhân dân và số phận con người, tình yêu mãnh liệt nhưng đầy bi kịch giữa Gregori và Aksinia cũng là một điểm nhấn trong tác phẩm.

Tuy nhiên, tình yêu đó lại không thể chiến thắng những ràng buộc xã hội, định kiến và chiến tranh.

Viết “Sông Đông êm đềm”, Sholokhov đã tiếp nhận di sản quý giá từ tác phẩm kinh điển “Chiến tranh và Hòa bình” của đại văn hào Lev Tolstoy.

Ủy ban Giải thưởng Nobel nhận định: “Bộ sử thi này một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của trường phái Hiện thực Xã hội chủ nghĩa mà trong đó Sholokhov đã hợp nhất được những di sản nghệ thuật của Tolstoy và Gogol”.

Ngay cả trên đất Mỹ, trong một bài viết đăng trên tạp chí New Republic, phát hành vào ngày 18.8.1941, giáo sư D.Stuare đánh giá: “Sông Đông êm đềm cũng như anh hùng ca Homer, là sự phản ánh đời sống và nền văn hóa nhân dân.

Nó là tác phẩm vĩ đại, mang tính nhân dân, những thành tố thẩm mỹ của nó không tách rời nhau, sự kết hợp này, các nhà văn phương Tây ở thế kỷ XX gần như chưa bao giờ đạt được”.

Dù đã gần 100 năm kể từ khi những trang viết đầu tiên của “Sông Đông êm đềm” được đăng tải trên tờ tạp chí Tháng Mười (1928), tác phẩm vẫn ghi dấu trong lòng muôn triệu bạn đọc như một bức tranh chân thực về con người và xã hội Nga thời kỳ bão táp.

Bên cạnh đó, sức sống mãnh liệt của “Sông Đồng êm đềm” còn thể hiện qua việc tác phẩm được nhiều lần chuyển thể thành phim, các vở opera, dân ca và nhiều lần tái bản, biên dịch.

Ở loại hình phim truyền hình và phim lẻ, “Sông Đồng êm đềm” có ít nhất 4 lần chuyển thể cùng tên (1930, 1957 – 1958, 1992, 2015).

Tác phẩm được chuyển thể thành phim. Ảnh: Cắt từ video

Với tất cả những gì thể hiện trong tác phẩm này, Sholokhov đã được trao tặng Giải Nobel văn học năm 1965 và “Sông Đông êm đềm” trở thành kiệt tác vĩ đại nhất của nhà văn, đúng như lời nhận xét của Hội đồng: “Sức mạnh nghệ thuật và sự chính trực, mà với nó, trong cuốn sử thi sông Đông, ông đã biểu hiện cả một giai đoạn lịch sử của người dân Xô viết – Đó chính là những gì làm nên Giải Nobel Văn học của Sholokhov”.

Nguồn: Laodong.vn