Không chỉ thông qua các nhà phân phối âm nhạc địa phương, các công ty Kpop hiện thực hiện chiến lược thâm nhập trực tiếp vào thị trường Mỹ Latinh.
JYP Entertainment đã công bố tuần trước rằng, họ sẽ thành lập một công ty con tại Mỹ Latinh vào quý III năm nay. Động thái này nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh và giao tiếp tốt hơn với người hâm mộ trong khu vực.
Trước JYP (công ty quản lý đứng sau các nhóm nhạc Kpop nổi tiếng TWICE, Stray Kids, ITZY), HYBE (công ty chủ quản của BTS, Seventeen, NewJeans, LE SSERAFIM, ILLIT, TXT…) đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường Mỹ Latinh với việc mở công ty con tại Mexico vào tháng 11 năm ngoái.
HYBE tuyên bố, công ty “HYBE Latin American” sẽ đóng vai trò là cầu nối cho các nghệ sĩ của mình thâm nhập vào thị trường âm nhạc Mỹ Latinh, và là trung tâm để bồi dưỡng các nghệ sĩ cũng như nội dung mới.
Động thái của hai “ông lớn” Kpop đã đặt ra câu hỏi, tại sao các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc lại trực tiếp thâm nhập vào khu vực Mỹ Latinh, thay vì hợp tác với các nhà phân phối hoặc nhà xuất bản âm nhạc địa phương.
Một quan chức giải trí nhận định: “Ảnh hưởng đáng kể của âm nhạc và văn hóa Latin tại thị trường Mỹ, cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của Kpop tại thị trường Mỹ Latinh, đã làm nổi bật tiềm năng và thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này”.
HYBE cho biết, họ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latinh, một trong những thị trường âm nhạc phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo âm nhạc toàn cầu năm 2024 của Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế được công bố vào tháng 3, Mexico và Brazil là thị trường âm nhạc tăng trưởng nhanh thứ 2 và thứ 3 trên thế giới vào năm 2023.
Mexico ghi nhận mức tăng trưởng 18,2% về doanh thu âm nhạc vào năm 2023, trong khi Brazil chứng kiến mức tăng trưởng 13,4% doanh thu âm nhạc. Chỉ có Trung Quốc dẫn trước 2 nước này với mức tăng trưởng 18,3%.
Một chỉ số đáng chú ý khác minh họa lý do tại sao Mỹ Latinh lại là điểm đến hấp dẫn đối với các cường quốc Kpop chính là tỉ lệ thâm nhập cao của dịch vụ phát nhạc trực tuyến (streaming).
Dịch vụ phát trực tuyến là nguồn doanh thu lớn nhất, chiếm gần 60% doanh thu âm nhạc toàn cầu. Chỉ riêng dịch vụ phát trực tuyến theo đăng ký đã tăng 11,2% vào năm 2023 và hiện chiếm gần một nửa tổng thị trường, theo báo cáo của IFPI.
Ở Mỹ Latinh, phát trực tuyến là hình thức tiêu thụ âm nhạc chủ đạo, chiếm 86,3% doanh thu của khu vực. Điều này phù hợp với cách tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số của các công ty Kpop, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng phát trực tuyến để phân phối nhạc và thu hút người hâm mộ.
“BTS lần đầu tiên đạt được sự nổi tiếng toàn cầu tại Mexico thông qua chương trình âm nhạc truyền hình Music Bank của KBS. Đó là cách họ trở nên nổi tiếng ở phương Tây với lượng người hâm mộ gốc Latinh.
Kpop có nhiều điểm tương đồng với nhạc Latin về giai điệu và cảm xúc. Đó là lý do tại sao có nhiều người hâm mộ Kpop ở Mỹ Latinh.
Trong trường hợp của PSY, anh ấy trở nên nổi tiếng nhờ MV của mình trên YouTube” – một cựu quan chức của YG Entertainment cho biết.
Nhà phê bình âm nhạc Lim Hee Yun đồng ý rằng, có một sự nhạy cảm âm nhạc chung giữa nhạc Kpop và nhạc Latin.
Ông mô tả nhạc Kpop có “bbong” – một thuật ngữ để chỉ giai điệu âm nhạc hấp dẫn và có phần hào nhoáng. Và các đặc điểm của giai điệu trong nhạc Latin pop được cộng hưởng tốt với khía cạnh “bbong” của nhạc Hàn Quốc.
Nhà phê bình lưu ý thêm, dân số trẻ của Mỹ Latinh cũng là yếu tố thu hút các công ty Kpop: “Mỹ Latinh có tỷ lệ sinh tương đối cao, dẫn đến số lượng lớn người nghe trẻ tuổi duy trì lòng trung thành mạnh mẽ với Kpop như một nền văn hóa phụ.
Sự tham gia tích cực của họ trên mạng xã hội đã góp phần đáng kể vào sự lan truyền của Kpop”.
Nguồn: Laodong.vn