Tri thức may và mặc áo dài Huế là Di sản văn hóa Quốc gia

Bộ VHTT&DL đã ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tri thức may và mặc áo dài Huế là Di sản văn hóa Quốc gia
Tri thức may và mặc áo dài Huế được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phan Thanh Hải

Tiến tới di sản phi vật thể nhân loại

Ngày 12.8, TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế – cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Áo dài Huế cùng với Hanbok của Hàn Quốc trên một sân khấu tại Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải
Áo dài Huế cùng với Hanbok của Hàn Quốc trên một sân khấu tại Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề án đề nghị xem xét đưa di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

“Mặc dù nội dung và tên gọi khi được ghi danh có sự khác biệt so với đề án ban đầu của Sở, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ‘Tri thức may và mặc áo dài Huế’ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một tin rất vui. Đây là dấu mốc quan trọng, ghi dấu những nỗ lực không ngừng trong công cuộc phục hưng giá trị truyền thống của áo dài Huế của đội ngũ những người làm văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua,” TS Phan Thanh Hải cho biết.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, việc ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không đồng nghĩa với việc công nhận bản thân áo dài Huế là di sản. Thay vào đó, Bộ chỉ ghi danh những thuộc tính của áo dài Huế, bao gồm “tri thức may” và “tập quán mặc áo dài của người Huế” là di sản văn hóa.

Việc công nhận này là điều kiện, cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” để đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nếu di sản “Tri thức may và mặc áo dài Huế” được UNESCO ghi danh, điều này sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa và xây dựng các biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng.

Điều này cũng cho thấy cộng đồng quốc tế đã tái xác nhận và khẳng định sự phong phú của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời ghi nhận những đóng góp của dân tộc Việt Nam trong việc làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của nhân loại.

Huế – kinh đô áo dài Việt Nam

Trước đó, vào ngày 29.3.2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Huế Kinh đô Áo dài Việt Nam” với tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng.

Áo dài Huế trong một sự kiện cộng đồng tại Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải
Áo dài Huế trong một sự kiện cộng đồng tại Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải

Các mục tiêu cụ thể của đề án bao gồm: đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hình ảnh về áo dài Huế qua các thời kỳ; tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế, biến nó thành điểm nhấn quan trọng trong các lễ hội, đặc biệt là Festival Huế; xây dựng bộ truyền thông về áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”; và hình thành một sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Đến năm 2030, mục tiêu là hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; ban hành ít nhất một chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; và hoàn thiện hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” để đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Áo dài là một di sản đặc biệt của cố đô Huế, vốn do cộng đồng sáng tạo từ đầu thế kỷ XVII và sau đó được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn, công nhận và định chế thành quốc phục.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của áo dài, bao gồm tổ chức các hội thảo khoa học, tổ chức định kỳ “Tuần lễ Áo dài Cộng đồng”, quảng bá mạnh mẽ và lan tỏa thông điệp về việc phục hưng áo dài truyền thống, tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”. Đồng thời liên kết với nhiều tổ chức, hội nhóm để lan tỏa tình yêu áo dài và chia sẻ kinh nghiệm phục hưng áo dài cho cả nam và nữ…

Nguồn: Laodong.vn