Tu bổ Chùa Cầu: Cần trả lại tiếng nói cho người dân Hội An

KTS Trần Huy Ánh khẳng định, người dân Hội An mới là đối tượng có quyền lên tiếng trước tiên về việc tu bổ Chùa Cầu.

Sau 1,5 năm tiến hành tu bổ, di tích Chùa Cầu (Hội An) đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục và dự kiến chính thức mở cửa đón khách vào ngày 3.8, nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 20.

Trái với kỳ vọng về một dự án có kinh phí hơn 20 tỉ đồng, Chùa Cầu vấp phải tranh cãi dữ dội vì diện mạo lạ lẫm, nước sơn mới nổi bật, chênh lệch nhiều với hình ảnh cũ. Trên mạng xã hội, phần lớn du khách cho rằng, nước sơn mới gây phản cảm, làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của một di tích hơn 400 năm tuổi.

Ảnh: Như Nguyệt
Màu sắc của Chùa Cầu (Hội An) sau khi tu bổ gây tranh cãi vì quá khác biệt. Ảnh: Như Nguyệt

Chia sẻ với Lao Động, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội – thẳng thắn cho rằng, những di sản ở Hội An có thể được bảo tồn y như cũ là điều không tưởng.

Với tình hình khí hậu khắc nghiệt cùng tần suất phục vụ khách du lịch đông, dày đặc, việc tu bổ Chùa Cầu là cần thiết.

Theo KTS Trần Huy Ánh, việc Chùa Cầu được tu bổ xấu hay đẹp, phản cảm hay không, chính người dân Hội An mới là đối tượng được lên tiếng trước tiên.

“Những người dân Hội An chính là người yêu mến di sản nhất, hiểu được di sản, nguyên trạng của nó và cách làm của tổ tiên. Họ chính là người đánh giá và giám sát quá trình này nghiêm túc nhất, chính xác nhất, trung thực nhất. Còn những bình luận xấu, đẹp, cũ, mới thì hoàn toàn là chủ quan, cảm tính, thiếu cơ sở” – KTS nói.

Ông cho rằng, không chỉ riêng Chùa Cầu mà trước đó, loạt di tích nổi tiếng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, Ô Quan Chưởng… đều vấp phải ý kiến trái chiều khi tu sửa. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi những công trình này dần xỉn màu, về gần với hình ảnh cũ thì tranh cãi cũng lắng xuống.

Ảnh: Tùng Giang - Hà Phương
Trước Chùa Cầu, loạt di tích ở Hà Nội cũng gây tranh cãi khi tu bổ nhưng lập tức lắng xuống sau một vài năm. Ảnh: Tùng Giang – Hà Phương

“Việc đánh giá vẻ ngoài của một di tích sau khi được trùng tu hoàn toàn thuộc về phạm trù thị hiếu. Và đã là thị hiếu thì không thể giống nhau, cũng không có quy chuẩn chính xác” – KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh, diện mạo mới của Chùa Cầu là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học, là sản phẩm của các nhà bảo tồn văn hóa và quan trọng là sự thống nhất ý chí của chính quyền cũng như nhân dân Hội An.

Do đó, KTS Trần Huy Ánh khẳng định: “Hãy để người dân Hội An nói lên tiếng nói của mình. Di sản của Hội An không phải để du khách bốn phương đến đây chốc lát buông lời chê bai thiếu cơ sở”.

Ảnh: Như Nguyệt
KTS Trần Huy Ánh khẳng định, chính người dân Hội An mới là đối tượng được lên tiếng về diện mạo của Chùa Cầu, không phải du khách bốn phương chỉ đến chốc lát. Ảnh: Như Nguyệt

Nằm tại khu vực trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Di tích được quyết định trùng tu một lần nữa và bắt đầu khởi công từ 28.12.2022.

Công trình có sự tư vấn của nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, đến tháng 12.2023, Hội An đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng thêm lần nữa vì nhiều vấn đề liên quan đến mặt cầu, kết cấu…

Sau khi hình ảnh mới của Chùa Cầu gây tranh cãi, chính quyền thành phố Hội An khẳng định đã tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, du khách.

Ngày 30.7, đơn vị thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã tiến hành tô quét lại phần thành cầu của di tích để nhìn “đỡ mới” hơn.

Nguồn: Laodong.vn