Từ một quả trứng, vô tận sinh ra

Nằm trong sự kiện mở xưởng của VAC (Vietnam Art Collection) tại Hà Nội, ngày 6.7.2024 một triển lãm trưng bày các tác phẩm mới nhất của họa sĩ trẻ Trịnh Cẩm Nhi đã ra mắt công chúng. Đây là kết quả sau 2 tháng lưu trú làm việc tại đây của cô.

Từ một quả trứng, vô tận sinh ra
Tác phẩm “đối thoại” của Trịnh Cẩm Nhi và Hà Ninh Pham. Ảnh: Hải An

Nếu như triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Vườn địa đàng” (11.2020, tại Trung tâm văn hóa Ý) Trịnh Cẩm Nhi trưng bày tác phẩm tranh sơn dầu chủ yếu vẽ thiếu nữ và hoa với màu sắc tươi tắn, thì “Đêm trắng” là một bước chuyển mình khác lạ của nữ họa sĩ. Những bức tranh vừa và nhỏ vẽ trên giấy dó bồi lên toan trở nên đằm và sâu lắng hơn. Thay vì sử dụng bảng màu phong phú như trước, ở triển lãm cá nhân thứ hai này, Cẩm Nhi đã tiết chế tối đa màu để khai thác độ đậm nhạt của chúng. Với mực Tàu, màu nước, và acrylic vẽ trên giấy dó, bức tranh tạo sự loang, thấm song vẫn đảm bảo cấu trúc rõ ràng.

Triển lãm có tên gọi “Đêm trắng” nhưng các sáng tác không ám chỉ về mặt thời gian của một “đêm trắng”. Nó là không gian ý niệm – cho phép họa sĩ sắp xếp hình ảnh ở cả phần ý thức lẫn vô thức đặt vào. Tính nữ với hoa được cộng hưởng thêm những hình ảnh lặp lại khác như cây, chiếc rèm, quả trứng, xoáy nước càng trở nên đậm đặc hơn.

Sự lặp lại nhiều và rõ nhất là cấu trúc các ô vuông ở từng bức tranh. Ô đen, ô trắng, ô xanh, ô xám che giấu phần bên dưới nó, đồng thời để lộ những chi tiết hình ảnh cạnh nó, khiến hình ảnh trở rõ nét song lại phân tán đi. Người xem có cảm giác như cả chi tiết lẫn tổng thể không ngừng bị phân chia. Bông hoa bị khuyết góc, gương mặt khuyết mũi, miệng, những lá cây mờ… liên tục nhân lên, vừa là điều khẳng định, vừa là sự hoài nghi. Và rồi một quả trứng “sinh ra”, như lời giải đáp cho những điều dường như không liên quan đến nó. Rằng, cả vẻ đẹp lẫn sự bất toàn, có thể đều do một quả trứng sinh ra. Và không chỉ một, nhiều quả trứng cũng có tính chất ấy. Trong những sự khác nhau luôn có sự giống nhau. Một sự riêng tư giấu kín khó nói có thể chính là điều người ta muốn giãi bày, chia sẻ một cách kín đáo.

Các tác phẩm “đối thoại” của Trịnh Cẩm Nhi và Hà Ninh Pham. Ảnh: Hải An
Các tác phẩm “đối thoại” của Trịnh Cẩm Nhi và Hà Ninh Pham. Ảnh: Hải An

Sự sâu sắc này của Nhi – một cô gái trẻ sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (cha là họa sĩ Trịnh Tú, ông nội là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) với rất nhiều thuận lợi – dường như là một ẩn số. Có lẽ chính sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, mà Nhi đã cùng lúc nhận ra cả vẻ đẹp mãnh liệt với nỗi buồn sâu thẳm đâu đó ở xung quanh để rồi thể hiện ra. Thật khó lý giải cách mà những người phụ nữ vẫn sống cùng hai mặt của cuộc đời – với một nguồn sống mạnh mẽ, không hề suy suyển.

Khi Cẩm Nhi gửi hình ảnh bức tranh đầu tiên vẽ hình một quả trứng cho một người bạn – họa sĩ khách mời Hà Ninh Pham (sinh năm 1991) qua email, hồi âm cuối cùng Nhi nhận được là một bức vẽ “lõi của củ hành” mà Ninh ghi trong nhật ký riêng: “Khi lớp vỏ cuối cùng bị vỡ, chúng ta vẫn có thể thấy được cái lõi cuối cùng”.

Tổng cộng có 30 tranh gửi cho nhau từ bức đầu tiên đến bức cuối cùng (mỗi người 15 bức) với thỏa thuận: Ảnh tranh gửi qua email không có tựa đề, không viết kèm nội dung. Nhi gửi một bức tranh Nhi vẽ cho Ninh, Ninh sẽ có nửa đêm ngày hôm sau để hồi đáp bằng một bức tranh Ninh vẽ, và cứ tiếp tục. Cả hai đều ghi chép vào nhật ký riêng mỗi lần vẽ, với giả định người đọc là nghệ sĩ còn lại. Hai nghệ sĩ không có bất cứ trao đổi thêm nào với nhau, cũng như bên thứ ba.

Kết thúc thời gian lưu trú, ngoài những tranh Nhi vẽ độc lập làm thành triển lãm “Đêm trắng”, người xem còn được thưởng lãm các bức vẽ mà hai họa sĩ “đối thoại” với nhau trong 1 tháng và đọc nội dung ghi chép từ nhật ký.

Nhận bức tranh đầu tiên Nhi gửi vào ngày 1.6.2024 (vẽ quả trứng), Ninh đã trả lời “bằng một quả trứng khác” và nhật ký ngày 2.6.2024 ghi những dòng: “Trứng tượng trưng cho sự đồng nhất và khởi đầu. Chúng có thể trở thành bất cứ điều gì và có thể mang ý nghĩa về một nguồn năng lượng mới”.

Một số dòng ghi chép trong nhật ký của Ninh ở các ngày kế tiếp: “Có lẽ mỗi quả trứng đều có một lỗ đen bên trong nó. […] Nếu anh phải nghĩ ra một sự vô tận, anh sẽ tạo ra một sự vô tận có thể đếm được. […] Ta luôn dễ dàng lừa dối khán giả với những thứ hào nhoáng. Nhưng là một nghệ sĩ, khó hơn nhiều để tự lừa dối mình trước tác phẩm của mình.

[…] Cách chúng ta di chuyển trong thế giới này sẽ thay đổi những gì chúng ta thấy trong một thế giới khác khi chúng ta gặp phải nó. Thế giới này phải mở rộng thành một chiều khác.

[…] Quả hạnh phúc có thể là quả gì? Trái cây đó phải đến từ một cây gọi là cây hạnh phúc. Và cây đó phải mọc ra từ một hạt giống hạnh phúc… Chỉ 25% những điều hạnh phúc chúng ta làm có thể tái tạo hạnh phúc”.

Một số dòng ghi chép trong nhật ký của Nhi ở các ngày gửi tranh: “Một quả trứng. Một sự khởi đầu mới. […] Phân chia rồi nhân lên rồi lại về làm một. […] Hoa bìm bìm có hình dáng như những đốm sáng nhỏ, phù du, như một linh hồn ghé thăm trần gian trong thoáng chốc. […] Có những lời như vọng lại từ một quá khứ gắn liền với mình nhưng không phải của mình.

[…] Em thích hình ảnh bàn cờ và những quân cờ nhưng không bao giờ chơi được cờ vua… Dù không phải là một người chơi cờ giỏi, em thích cảm giác đầy sức mạnh của việc đưa ra những quyết định. Nhiều khi trong cuộc sống, một bước đi phải chờ nhiều năm mới được thực hiện.

[…] Thế giới thực và thế giới tâm linh cách nhau qua một cái tên… Cái đẹp trong những bi kịch Hy Lạp đó là nó đưa cho ta những nỗi băn khoăn chứ không bao giờ là câu trả lời.

[…] Nếu quá khứ và tương lai không còn quan trọng thì cuối cùng ta sẽ được sống đúng nghĩa trong khoảnh khắc hiện tại. […] Cây liễu vẫn luôn là một loài cây gợi nên cảm giác như nó có một lý trí và sức sống riêng. […] Mùa hè này em quyết định bước ra khỏi hang. […] Gió thổi mạnh hơn nữa làm cho quang cảnh xung quanh như hòa vào làm một…”.

Những dòng ghi trong nhật ký của Nhi và Ninh cùng tranh vẽ cho chúng ta hiểu rằng, có một khoảng cách giữa hình ảnh và ngôn từ. Chúng ta vẫn có thể xem tranh mà không cần đọc ngôn từ hay ngược lại, mà vẫn thấy đủ. Nhưng, chúng ta cũng có cảm giác khoảng cách rất gần giữa tư duy ngôn ngữ và tư duy thực hành nghệ thuật của cả hai – dù Cẩm Nhi và Hà Ninh đều có lối đi riêng trong các thực hành nghệ thuật ý niệm. Đều kết hợp lý trí và cảm xúc, nhưng ở Ninh tính lý trí mạnh mẽ hơn, ở Nhi có sự mềm dẻo hơn.

Trưng bày trong mở xưởng của Nhi ít nhiều gợi ý chúng ta cảm nhận và tưởng tượng sâu hơn về một thứ có sẵn (như quả trứng, bông hoa, người phụ nữ, ô vuông, xoáy nước); khi đó, thứ có sẵn có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa – mà nếu lướt qua (ở đời thường) ta có thể bỏ qua chúng, và có thể bỏ qua cả chính ta.

Trịnh Cẩm Nhi sinh năm 1996, tốt nghiệp Cử nhân hội họa, Học viện Mỹ thuật Roma (Accademia di Belle arti Roma) nước Ý. Hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Triển lãm “Đêm trắng” trưng bày từ ngày 6 – 31.7.2024 Địa điểm: VAC Hà Nội, 6/44/11 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội.

Nguồn: Laodong.vn